(SGGP).– Đã 59 năm đi qua kể từ chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu, ngày 21-4, những trận chiến oanh liệt, những câu chuyện thấm đẫm chân tình ở cái thời “nằm hầm, ăn cơm vắt” lại ào ạt trào về làm sống động ký ức của những người lính Điện Biên năm nào tại buổi gặp gỡ thân mật được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách “Ký ức Him Lam” ở Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Tay bắt mặt mừng, những mái đầu đã nhuốm bạc, dáng đi cũng không còn nhanh nhẹn như trước song khi những đồng đội được gặp nhau, ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng oai hùng ấy vẫn sáng rõ như mới ngày nào. Những địa danh thân thuộc Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... với những người lính ấy không chỉ gợi nhớ về miền Tây Bắc tươi đẹp mà còn ẩn chứa bao kỷ niệm gian khó mà anh dũng.
Tại buổi gặp mặt chân tình này, họ - những người lính Điện Biên năm xưa cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm về người đồng đội, liệt sĩ Lê Nam, người trực tiếp chỉ huy phá đoạn rào cuối cùng, đánh thông tuyến cửa mở cứ điểm Him Lam của giặc Pháp, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông. Liệt sĩ Lê Nam tên thật là Trần Ngọc Quế, quê ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Bởi làng quê quá nghèo, ông đã theo các cụ phiêu bạt mãi sang Vinh rồi đến Thanh Hóa. Ở đây, ông được giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên cộng sản và được nhà thơ Tố Hữu tin tưởng giao nhiều công tác quan trọng. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông thuộc lớp cán bộ Đảng tăng cường cho quân đội và làm công tác chính trị tại Đại đoàn 312, cùng đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch lớn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141, ông cùng trung đoàn của mình lãnh ấn tiên phong đánh trận mở màn, tiêu diệt cứ điểm Him Lam.
Sau chiến dịch, ông Lê Nam tiếp tục về công tác tại Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1967, người chiến sĩ Điện Biên Lê Nam lại lên đường ra trận trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, là phái viên chính trị của Bộ Tổng Tư lệnh và giữ cương vị Trưởng phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Mặt trận. Ông đã anh dũng hy sinh trong một trận máy bay B52 của địch rải thảm trúng vào Bộ Tư lệnh Mặt trận, để lại bao niềm thương tiếc cho gia đình và đồng đội.
Nhớ về đồng đội xưa, ông Khắc Tuế, nguyên Đoàn trưởng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, tâm sự: Năm 1967, khi mặt trận Đường 9 Khe Sanh mở ra tôi đã dẫn một đoàn xung kích vào biểu diễn, chính ông Lê Nam là người đã đưa Linh Nhâm đến với chiến sĩ khi ấy. Sân khấu chính là khoảng đất trống nằm bên trận địa, nghệ sĩ Linh Nhâm với bài thơ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi, đã khích lệ bao chiến sĩ vững tay súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngay chính tại buổi gặp gỡ này, mặc dù ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, dù vừa trải qua một cơn đột quỵ, song để cùng tri ân, gặp gỡ bạn bè, đồng chí, những người đã cùng chia sẻ ngọt bùi nơi chiến hào, NSƯT Linh Nhâm đã đến và đưa mọi người quay trở về với không khí quật cường ở nơi trận địa những năm tháng lịch sử ấy.
Ngày 21-4, Ban Liên lạc truyền thống lực lượng Trinh sát kỹ thuật Phòng Quân báo - Ban Tham mưu Miền (B2) đã tổ chức họp mặt với hơn 100 cựu chiến binh đơn vị. Khi thành lập (năm 1963), lực lượng Trinh sát kỹ thuật Phòng Quân báo Miền chỉ có một phân đội với 19 đồng chí, đến năm 1974 phát triển quy mô lên thành cấp trung đoàn với gần 700 đồng chí được trang bị thiết bị sóng ngắn, sóng cực ngắn siêu tần số với các bộ phận thông báo, thám mã mật mã để nắm tình hình địch phục vụ chiến đấu.
Mai An - Minh Ngọc