Ký ức Ngày chiến thắng

Từ hơn nửa thế kỷ qua, cứ vào những ngày tháng 5, cả nước Liên Xô (cũ) và nước Nga ngày nay, luôn rộn ràng kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít Đức (9-5-1945) kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của đất nước này. Chúng tôi may mắn đã có dịp được sống trong không khí của ngày lễ hội và cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp của con người và đất nước huyền thoại.1.
Ký ức Ngày chiến thắng

Từ hơn nửa thế kỷ qua, cứ vào những ngày tháng 5, cả nước Liên Xô (cũ) và nước Nga ngày nay, luôn rộn ràng kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít Đức (9-5-1945) kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của đất nước này. Chúng tôi may mắn đã có dịp được sống trong không khí của ngày lễ hội và cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp của con người và đất nước huyền thoại.

1.
Chúng tôi là lớp người mà khi từ những ngày đầu đến trường, đã thấm đẫm những trang sách tuổi thơ của trẻ em Xô viết với bìa cứng, giấy trắng, chữ to và những bức tranh minh họa rất ngộ nghĩnh, dễ thương như: Marutxia đi học; Vichia Maleep ở nhà và ở trường… Lớn thêm một chút nữa thì có các tác phẩm Timua và đồng đội, Truyện cổ tích các dân tộc Liên Xô… và ký ức luôn gắn liền cùng với những bài hát nổi tiếng như Nụ cười; Hãy để mặt trời luôn luôn chiếu sáng…, những bộ phim như Rutxlan và Lutsmila, truyện cổ Rutxtam, Hãy đợi đấy… Đến tuổi biết suy nghĩ, với những rung động đầu đời thì những cuốn tiểu thuyết như Thép đã tôi thế đấy, Chuyện về một người chân chính, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Hải Âu, Gã khờ… luôn là những cuốn sách gối đầu giường cùng những bản nhạc Nga trữ tình, êm đềm và quá đỗi da diết nhưng cũng không kém hùng tráng như Chiều Mátxcơva, Đôi bờ, Cachiusa, Chiều hải cảng; Đàn sếu; Thời thanh niên sôi nổi; Địa chỉ chúng tôi: Liên bang Xô viết… rồi sau này là những bài hát như Triệu đóa hoa hồng, Hãy tha thứ và tin tưởng… đã đi vào bữa ăn và giấc ngủ của chúng tôi. Và, phải chăng vì thế mà lịch sử, hình ảnh đất nước, nền văn học, văn hóa, điện ảnh của nước Nga với những con người Nga đôn hậu, chất phác đã trở nên vô cùng thân thuộc với chúng tôi. Tôi vẫn nhớ mãi cảm giác khi lần đầu tiên đặt chân tới nước Nga, với những vốn hiểu biết về văn học Nga, văn hóa Nga, nên con người và đất nước này hoàn toàn không xa cách, lạ lẫm mà trái lại, rất thân quen, gần gũi.

Một người bạn Việt Nam chia vui cùng cựu chiến binh Nga trong Ngày chiến thắng.

Một người bạn Việt Nam chia vui cùng cựu chiến binh Nga trong Ngày chiến thắng.

2. Trong lần trở lại nước Nga lần thứ 2 vào tháng 5-2011, chúng tôi rất háo hức chuẩn bị cho việc tham dự lễ hội Ngày chiến thắng. Từ sáng sớm ngày 9-5, hòa vào dòng người đổ tới Quảng trường Đỏ, chúng tôi hết sức ấn tượng với cảnh trên tất cả các tuyến tàu điện ngầm hay các chuyến xe buýt, các cựu chiến binh, dù mặc quân phục hay dân sự nhưng có đeo huân, huy chương đều nhận được nụ cười và lời chúc mừng của hầu hết các hành khách đi cùng. Xuống các ga tàu điện ngầm, càng ngạc nhiên và kính phục hơn khi ngay trên sân ga, các nữ cảnh sát Nga, rất trẻ trung, xinh đẹp với nụ cười thật tươi đã chờ sẵn tận tay dìu dắt hoặc chỉ dẫn các cựu chiến binh đi vào lối đi riêng được dành sẵn trên sân ga lúc nào cũng đông nghẹt người đi lại. Đến Quảng trường Đỏ, tất nhiên là chỉ ở vòng ngoài, rất xa, vì không có giấy mời nên chúng tôi cũng như nhiều người Nga khác, cùng chen vai thích cánh xem duyệt binh. Sau đó mọi người đổ về các quảng trường, bảo tàng, công viên để gặp gỡ, trò truyện và nghe hòa nhạc. Chúng tôi chọn đến Quảng trường Chiến thắng và Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc. Đây là quần thể di tích hết sức hoành tráng, được xây dựng trên đồi Paklonaya, ngay gần đại lộ Cutudop, cách không xa là Khải Hoàn môn và Bảo tàng Borodino với bức tranh tròn tái hiện trận chiến Borodino của Nguyên soái Cutudov với Hoàng đế Pháp Napoleon. Tại các ga tàu điện ngầm, bến xe buýt, vẫn cảnh những nữ cảnh sát trẻ trung, duyên dáng, tươi tắn đứng thành hàng danh dự, tạo lối đi riêng cho các cựu chiến binh trong dòng người tấp nập tưởng như vô tận. Tại Quảng trường Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc, trước biển người đông đặc và vì lý do an ninh, đã có không dưới 50 cổng từ kiểm tra an ninh tất cả mọi người bước vào khu vực quảng trường. Có nhiều cổng dành riêng cho các cựu chiến binh và thân nhân đi cùng và mọi người đều tự giác nhường lối cho họ. Hầu hết các cựu chiến binh đều có người đi kèm, không chỉ để giúp đỡ (ngoài các cựu chiến binh đã già yếu, còn rất nhiều cựu chiến binh thời kỳ sau này nhưng vẫn có thân nhân đi kèm chủ yếu là để cầm hoa giúp).

Tác giả (ngoài cùng bên phải) chia vui với các cựu chiến binh Nga.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) chia vui với các cựu chiến binh Nga.

Tại trung tâm quảng trường, những cựu chiến binh bao giờ cũng là nhân vật chính, dù họ đi một người hay một nhóm, vây quanh họ là đủ mọi tầng lớp, từ thanh niên đến trung niên và người già, rất nhiều bạn trẻ cũng mặc những bộ trang phục theo kiểu hồng quân, tay cầm cờ đỏ, có cả ảnh của Lênin và Xtalin. Rất nhiều gia đình, cả cha mẹ và các em nhỏ, khi gặp các cựu chiến binh, mọi người đều dừng lại chúc mừng và tặng hoa, dù ngày này hoa ở Mátxcơva rất đắt. Ở nhiều nơi, từng nhóm cựu chiến binh được quây giữa vòng tròn mà bao quanh là những thanh niên mặc quân phục hồng quân Liên Xô với mũ calô đính ngôi sao đỏ. Sau khi nghe kể chuyện lịch sử, họ lại cùng nhau vừa nhảy vừa hát những bài hát nổi tiếng và quen thuộc trong thời Chiến tranh Thế giới thứ 2. Xung quanh là đám đông người vừa vỗ tay và say sưa hát theo, cứ từng vòng, từng cụm như thế làm rộn rã cả một quảng trường rộng lớn. Đặc biệt hơn, khi chúng tôi đến chúc mừng, biết chúng tôi đến từ Việt Nam, các cựu chiến binh đều rất vui, họ cảm ơn chân thành và bắt tay, ôm hôn chúng tôi như những người đồng chí. Cứ như thế, chúng tôi vui cùng những người bạn Nga chưa hề quen biết cho đến tận chiều và sau đó đi xem màn bắn pháo hoa rực rỡ trên sông Mátxcơva để kết thúc một ngày cảm động và đầy ý nghĩa.

3. Được sống trong không khí của một sự kiện lịch sử vĩ đại, chúng tôi đã thực sự cảm nhận được rằng, những người cựu chiến binh Xô viết năm xưa vẫn luôn được xã hội trân trọng và được tôn vinh trên đất nước Nga. Bao tháng năm đã trôi qua, nhưng không một điều gì và không một ai bị lãng quên. Trên đường trở về và mãi tới tận bây giờ, tôi vẫn luôn suy nghĩ và cảm nhận việc giáo dục về lịch sử, về truyền thống cho các thế hệ sau ở đất nước Nga một cách hết sức sinh động và tự nhiên, không một chút gượng ép khiên cưỡng. Qua đó, tạo nên lòng tự hào về truyền thống của đất nước, từ mỗi con người của bao thế hệ và một đất nước, dù thời thế thay đổi, ý thức hệ thay đổi, dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng luôn trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ của cha ông thì đất nước đó nhất định sẽ hùng cường, thịnh vượng để mãi trường tồn cùng thời gian.

TRẦN DUY HƯNG

Tin cùng chuyên mục