Với việc Quốc hội phê chuẩn 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và trưởng ngành vào ngày 9-4, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã cơ bản rõ diện mạo, tạo nên nhiều kỳ vọng mới, những khát khao mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các cộng sự nhậm chức trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn có rất nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước sang giai đoạn phát triển mới. Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 bế mạc trong một vài ngày tới cũng sẽ thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm 2016 - 2020 với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện. Việc thực thi những quyết sách, kế hoạch đó trong thời gian tới là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm và bản lĩnh rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mà trực tiếp là Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Trong 27 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, chỉ có một số ít là thành viên Chính phủ nhiệm kỳ cũ tại vị, còn lại đều là người mới, tuổi trẻ hơn; trong đó có 6 vị là Ủy viên Bộ Chính trị. Đó thực sự là một bộ máy mà như ĐBQH Dương Trung Quốc đã phát biểu bên hành lang Quốc hội ngày 9-4: “Chúng tôi hy vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tạo được sức bật mới”.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ĐBQH Võ Thị Dung (TPHCM) đã nêu lên 7 nỗi lo và 3 mong ước của cử tri, của nhân dân, trong đó nỗi lo thứ nhất là nỗi lo về ngoại xâm khi mà Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển, đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là trên một số đảo của quần đảo Trường Sa. Nỗi lo thứ hai là nội xâm, đó chính là quốc nạn tham nhũng từ nhỏ đến lớn, tham nhũng vặt. Cùng với đó là nỗi lo về tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, về tụt hậu kinh tế, về nợ công quá cao, về văn hóa dân tộc đang bị mai một xuống cấp trong xã hội, về tình trạng thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý điều hành dẫn đến tùy tiện, buông lỏng. Còn mong ước đầu tiên của nhân dân theo ĐB Võ Thị Dung, chính là mong ước bộ máy của Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải thực sự tinh hoa, trí tuệ, thực sự tận tụy, liêm chính.
Như vậy có thể thấy, yếu tố vô cùng quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đất nước và kỳ vọng của nhân dân đó là phải xây dựng một bộ máy Chính phủ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, nghiêm túc lắng nghe nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân, của đất nước là mục tiêu cao nhất trong mọi chính sách, mọi việc làm.
Ngay sau khi nhậm chức, thông điệp của tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng, đó là Thủ tướng, Chính phủ sẽ ưu tiên 6 vấn đề trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có đẩy mạnh đổi mới và hội nhập, cải cách hành chính, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương, phòng chống tham nhũng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Nhân dân đang chờ đợi Chính phủ hành động sau những lời hứa trước đồng bào cả nước. Mong các thành viên mới của Chính phủ rút ngắn “con đường” từ lời hứa đến việc làm. Chúng ta kỳ vọng từ lời tuyên thệ, những gương mặt mới của Chính phủ sẽ kế thừa những thành quả tốt đẹp của các kỳ Chính phủ tiền nhiệm, tiếp tục chăm lo cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
LÂM NGUYÊN