Đến tận tháng 6, VFF mới tổ chức đại hội nhiệm kỳ 7. Dù vậy, cũng đã sớm hơn 4 tháng so với thời gian tiêu chuẩn của nhiệm kỳ. Lẽ ra, đại hội còn diễn ra sớm hơn (vào tháng 4) vì yêu cầu cải tổ bộ máy VFF ráo riết sau thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2012 và những bất ổn trầm trọng của làng cầu nội địa.
Tuy nhiên, như chính VFF thừa nhận, muốn tiến hành đại hội sớm hơn cũng không được khi thực tế làng cầu đang đặt ra cho VFF nhiệm kỳ mới quá nhiều việc quan trọng, nặng nề, những thử thách được đánh giá là lớn nhất kể từ khi tổ chức này ra đời.
Rất nhiều chuyên gia đánh giá, bất kỳ ai tham gia vào VFF nhiệm kỳ mới cũng phải thực sự dũng cảm mới làm được. “Di sản” của một giai đoạn xảy ra quá nhiều sự cố vừa qua là vô cùng nghiêm trọng, khiến VFF vừa đánh mất vai trò của mình, mất định hướng chiến lược dài hạn. Đề án phát triển từ 2000 - 2018 đã bị gãy giữa đường khi giải vô địch chuyên nghiệp đi chệch đường ray. Đề án 2010-2030 hiện chỉ mới được bàn thảo và có nhiều phản biện không khả thi. Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đang rơi vào tình trạng mất phương hướng khi không biết mình đứng ở đâu, phải đi đến đâu.
Vì thế, theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, VFF nhiệm kỳ mới phải làm được một việc quan trọng là nâng cao tính hiệu quả của bộ máy. Hiện tại, Ban chấp hành VFF được FIFA khuyến cáo tinh giản nhân sự nên chỉ có 23 thành viên, quản lý đến 17 hội đồng, ban chức năng. Vậy mà có một loạt bộ phận quan trọng lại không hề hoạt động hiệu quả như Hội đồng HLV quốc gia, Ban tiếp thị tài trợ, Ban phong trào, Ban bóng đá chuyên nghiệp. Ban bệ quá nhiều, con người thì không tinh, VFF ngày càng đánh mất uy tín và vai trò định hướng của nền bóng đá. Suốt năm 2012, sau khi Công ty VPF ra đời, hầu như VFF không hoạt động. Nguồn thu sụt giảm, thành tích của đội tuyển quốc gia tụt thê thảm, mất kiểm soát trong việc quản lý hoạt động của các CLB. Một loạt quyết định của VFF không đi sát thực tế khiến cộng đồng bóng đá phản ứng, tạo ra bất bình không đáng có. Tất cả đều được cho rằng xuất phát từ nguyên nhân con người của VFF kém về năng lực, yếu về chuyên môn.
Nói cách khác, yêu cầu cấp thiết nhất của VFF nhiệm kỳ 7 là phải nhanh chóng lấy lại vị trí của mình đối với sự phát triển của làng cầu. Muốn như thế, cần phải có những con người giỏi, đặc biệt phải có sự đóng góp mạnh mẽ hơn từ xã hội. VFF nhiệm kỳ vừa qua bị xem là “CLB hưu trí hoặc… thất nghiệp”, kém về uy tín xã hội và thiếu năng lực tại cơ sở.
Cuối cùng, đó là VFF phải cố gắng vượt qua “cái bóng” của Tổng cục TDTT để trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp thực thụ. Vai trò định hướng của cơ quan quản lý là cần thiết, nhưng VFF không thể “chỉ huy” làng bóng Việt Nam nếu chỉ là “cánh tay nối dài” của tổng cục. Muốn như vậy, chung quy vẫn là cần thêm sự tâm huyết của con người, xã hội. Nếu không thể thu hút nhân tài và sự đóng góp của xã hội, VFF sẽ không thể cải tổ bộ máy của mình.
Đăng Linh