Kỳ vọng năm học mới

Một năm học mới lại bắt đầu. Năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục đặt mục tiêu chung là tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở GD-ĐT. Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động…

Năm học này, ngành giáo dục đã công bố với xã hội sẽ triển khai các nhiệm vụ chính: rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước, trong đó có triển khai kiểm định các cơ sở giáo dục đại học để có căn cứ xếp hạng, phân tầng và sắp xếp lại mạng lưới một cách tổng thể. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, theo đó sẽ xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học. Để thực hiện các nhiệm vụ này, các giải pháp cơ bản được đề ra là tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục…

Như vậy có thể thấy, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà ngành giáo dục đặt ra cho năm học 2016 - 2017 là khá rõ ràng. Nếu thực hiện hiệu quả những nội dung đó thì sẽ phần nào giảm bức xúc hiện nay của xã hội đối với ngành giáo dục. Vấn đề là ngành giáo dục sẽ thực hiện đến đâu, nhất là trước áp lực không hề nhỏ từ dư luận xã hội, từ chính những người làm trong ngành giáo dục hiện nay?

Những hạn chế, yếu kém của giáo dục Việt Nam hiện nay đã được nhận chân rất rõ. Trong đó có việc quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân chậm được điều chỉnh và chưa được quan tâm đúng mức; chưa trở thành cơ sở quan trọng cho công tác quản lý và điều hành, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt; chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phương pháp và các điều kiện dạy - học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được môi trường giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học và nâng cao hiệu quả quản lý còn hạn chế… Bức xúc nhất là hiện tượng HS-SV vi phạm đạo đức lối sống đang có hiện tượng gia tăng. Học sinh vẫn phải è cổ học thêm vì chương trình phổ thông quá nặng... Tất cả những điều đó xã hội bức xúc và yêu cầu ngành giáo dục phải chuyển biến ngay trong năm học này.

Có thể thấy, giáo dục Việt Nam vẫn đang trong quá trình đổi mới để đạt tới mục tiêu xây dựng được các thế hệ người Việt Nam có thể hội nhập với thế giới, làm chủ tri thức và góp phần xây dựng quốc gia trở nên giàu đẹp. Quyết định thành bại của đổi mới giáo dục phụ thuộc vào 1,3 triệu giáo viên toàn ngành. Nói như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thầy cô giáo rất tâm huyết, nhưng tâm huyết chưa đủ, phải có năng lực. Phải đáp ứng đủ chuẩn để giảng dạy tốt, đó là áp lực không nhỏ đối với nhiều thầy cô hiện nay. Khi thầy cô được tiếp cận phương pháp mới, làm chủ công nghệ mới thì khi đó kết quả giảng dạy sẽ tốt. Nhưng để các thầy cô đạt chuẩn thì lại cần giải pháp hiệu quả của Bộ GD-ĐT, trong đó bao gồm cả việc bảo đảm điều kiện sống cho các thầy cô để toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy cũng như nâng cao trình độ của mình. Tương tự, đội ngũ quản lý giáo dục cũng vậy, phải bảo đảm năng lực để thực hiện nhiệm vụ, không chỉ là quản lý theo kinh nghiệm. Khi các thầy cô quản lý giáo dục các cấp tiếp cận được phương pháp đổi mới, coi công cuộc đổi mới như một nhu cầu tự thân thì lúc đấy mới có cơ chế, chính sách tiến bộ để áp dụng vào thực tiễn, cơ sở. Cùng với đó, giải pháp đột phá là về thể chế, cơ chế chính sách ở cấp trung ương. Những văn bản, quy phạm, những gì không còn phù hợp với thực tiễn đổi mới giáo dục phải được loại bỏ để thúc đẩy tự chủ, sáng tạo. Nếu tháo gỡ được những rào cản mang tính thể chế, cơ chế chính sách thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ cất cánh mà không cần tốn quá nhiều tiền bạc…

Một năm học mới lại bắt đầu. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - “tư lệnh” ngành giáo dục, một thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ mới - đã khẳng định trước thềm năm học mới: Bộ GD-ĐT cầu thị lắng nghe những băn khoăn của dư luận, để làm sao những băn khoăn thì giảm đi, những thành tích thì tốt lên, để niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục ngày càng tăng lên. Bộ GD-ĐT cũng chủ trương công khai, minh bạch, không giấu giếm các tồn tại của ngành, bởi bộ cho rằng, càng công khai, minh bạch thì bức xúc của dư luận càng giảm. Điều này đang “gieo” hy vọng cho nhiều người, với mong muốn chất lượng giáo dục sẽ ngày càng tốt lên, tiệm cận gần hơn những thành tựu giáo dục của thế giới, để những công dân Việt Nam, nhất là các thế hệ công dân trẻ có thể tự tin trở thành những công dân toàn cầu và vẫn giữ được cốt cách, phẩm chất cao quý của người Việt.

Thầy giỏi thì có trò giỏi. Thầy tử tế thì sẽ có trò tử tế. Đó là điều đương nhiên. Ngành giáo dục với quyết tâm của mình trong việc lấy lại niềm tin của xã hội hoàn toàn có thể tạo dựng môi trường dạy và học lành mạnh, hiệu quả, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp nếu biết lắng nghe các phản biện xã hội, lắng nghe những day dứt, tâm huyết của những người hết lòng vì giáo dục. Bởi khi đã cùng chung một kỳ vọng, hẳn sẽ có chung những bước đi…

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục