Chưa kết thúc năm nhưng năm 2011 là một năm đầy sóng gió và chịu nhiều điều tiếng đối với ngành du lịch. Mở đầu năm 2011, có cuộc tranh cãi dai dẳng xoay quanh vấn đề ngành du lịch lựa chọn, trao giải cho logo và slogan “Viet Nam - A Different Orient, Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông”. Logo và slogan này bị phản đối gay gắt, không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia du lịch vì ngữ nghĩa tiếng Anh bất ổn và chiến lược phát triển còn mơ hồ. Kết quả, dù đã trao giải nhưng ngành du lịch chưa dám đưa vào sử dụng.
Rồi mới đây, khi ngành du lịch chọn diễn viên Lý Nhã Kỳ làm đại sứ du lịch Việt Nam, một lần nữa dư luận lại ồn ào chuyện đúng, sai, hiệu quả hay không hiệu quả đối với hình ảnh ngành du lịch. Có nhiều ý kiến tiêu cực cho rằng, Lý Nhã Kỳ không xứng đáng đảm nhiệm vị trí này. Tuy nhiên, công tâm mà nói, việc Lý Nhã Kỳ làm đại sứ du lịch không có gì phải gọi là không xứng đáng đối với hình ảnh du lịch Việt Nam.
Tại sao trong thời gian dài qua ngành du lịch luôn bị soi mói, chê bai nhiều hơn là lời khen tặng? Điều này cũng xuất phát từ việc muốn đóng góp xây dựng để ngành hoạt động tốt hơn. Sự không đồng tình của dư luận về slogan và đại sứ du lịch có thể là thước đo để ngành du lịch nhìn lại mình. Có lẽ, chính việc mất niềm tin, không có được tiếng nói chung đã tạo ra khoảng cách ngày một xa hơn giữa ngành quản lý với doanh nghiệp du lịch trong nước. Trong nhiệm kỳ mới, người dân đang cảm thấy phấn khích với cách làm của nhiều lãnh đạo bộ, ngành. Lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương đăng đàn tranh cãi nghe thấy sướng tai, rồi lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho thấy cá tính trong xử lý công việc.
Sau hơn 2 năm phát động triển khai, đã có lúc rơi vào quên lãng, vịnh Hạ Long của Việt Nam đang được người dân khẩn trương, gấp rút bầu chọn để dồn phiếu vào phút chót với hy vọng sẽ trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng, sự có mặt của vịnh Hạ Long trong top 7 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho du lịch.
Thông qua vịnh Hạ Long, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn và tất nhiên vịnh Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là một điểm đến thu hút khách quốc tế. Sự thành công của vịnh Hạ Long cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho du lịch trong nước. Chúng ta xem vịnh Hạ Long như sức hút đưa khách quốc tế đến nhưng với nhiều bất cập trong khai thác du lịch hiện nay, liệu du lịch Việt Nam có đánh mất sự kỳ vọng trong du khách quốc tế? Mỗi lá phiếu của người dân Việt Nam đang bầu chọn cho vịnh Hạ Long như là niềm tin, gởi gắm và kỳ vọng vào một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho ngành du lịch nước nhà.
HÀ NHAI