Lẽ ra năm 2013 thể thao Việt Nam chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là SEA Games 27 được tổ chức tại Myanmar vào cuối năm, nhưng sau khi bất ngờ giành được quyền đăng cai Asiad 2019 thì năm 2013 lại là một cột mốc quan trọng trong chiến lược đầu tư 6 năm sau.
Bởi theo kế hoạch, Việt Nam dự kiến đăng cai một kỳ SEA Games nữa để nâng cao năng lực tổ chức và chất lượng thi đấu. Tuy nhiên, thời cơ đến sớm và Asiad 18 đã chính thức được trao quyền đăng cai cho Việt Nam. Cả bộ máy thể thao bắt buộc phải chuyển động hối hả để xứng đáng với tư cách chủ nhà.
Đấy là lý do mà SEA Games 2013 được giới chuyên môn đánh giá trở thành một bước ngoặt trong phương thức đầu tư cho thể thao sau gần 2 thập kỷ chạy theo thành tích với sự đầu tư dàn trải. Bởi ngay sau SEA Games 27, sang năm 2014, Việt Nam sẽ dự Asiad tại Hàn Quốc, đợt sát hạch cuối cùng cho mục tiêu từ 7-10 HCV tại Asiad trên sân nhà vào năm 2019.
Vì lẽ đó, giới quan sát kỳ vọng lãnh đạo ngành thể thao sẽ thay đổi quan điểm thành tích tại SEA Games 27. Thay vì tập trung phấn đấu giữ vị trí trong tốp 3 bằng tổng số huy chương, rất cần hướng đến nâng chất lượng ở từng nội dung sở trường, đặc biệt là những môn mà Việt Nam đã đạt đến tầm châu lục và thế giới. Tại SEA Games 27, thể dục dụng cụ không được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu nhưng các môn điền kinh, bơi, bắn súng lại tăng số lượng nội dung, đủ để các VĐV Việt Nam bù đắp số lượng HCV bị “mất” ở TDDC. Mặt khác, đấy lại là những môn Olympic, có sẵn trong chương trình thi đấu Asiad, lại càng phải tập trung đầu tư nhiều hơn.
Đến thời điểm này, ngành thể thao vẫn chưa có động thái khác biệt nào cho SEA Games 27. Ngân sách ngành được duyệt vẫn như cũ, phân bổ khá dàn trải trong bối cảnh đã có một sự thoái trào nhất định ở các môn điền kinh, bắn súng, võ thuật… Những môn được cho là phù hợp với tố chất người Việt như cầu lông, bóng bàn vẫn trong tình trạng thiếu tuyến kế thừa. Chúng ta đang có sự tiến bộ mạnh mẽ ở những môn bơi và thể dục nhưng các môn cơ bản khác thì chưa thấy hướng đầu tư nào mới. Ngay cả kế hoạch tập huấn nước ngoài hiện vẫn đang chờ Tổng cục TDTT duyệt dù các bộ môn gần như “khẩn nài” phải đưa VĐV ra nước ngoài mới bảo đảm chất lượng thi đấu trong bối cảnh các giải đấu trong nước ngày càng ít dần vì điều kiện tài chính.
Trong khi đó, ngay từ cuối năm trước, các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã lên kế hoạch cho SEA Games 27 với tiêu chí chỉ cử các môn có khả năng đạt thành tích cao nhất đi tham dự thay vì phải tham gia đông, đủ. Vì lẽ đó, họ đều không phản ứng nhiều đến các thay đổi của nước chủ nhà Myanmar về việc đưa các môn ít phổ biến vào SEA Games.
“Quân cốt tinh nhuệ, không cốt nhiều”, đây chính là chiến lược mà thể thao Việt Nam cần hướng đến nhất là khi chúng ta đang hướng đến đẳng cấp châu lục về tổ chức lẫn thành tích thi đấu. Những khó khăn về kinh tế - xã hội trong năm 2013 dự báo vẫn còn nhiều, chắc chắn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thể thao. Phải chăng, đây chính là cơ hội để lãnh đạo ngành thu gọn đầu tư, tập trung cho các môn cơ bản đang là thế mạnh, lấy SEA Games 27 làm đợt sát hạch cho mục tiêu Asiad 2014 và quan trọng hơn là bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị nhân lực cho 6 năm sau.
ĐĂNG LINH