Thực trạng 178.000 người có trình độ đại học (ĐH) và trên ĐH ở Việt Nam thất nghiệp đã cho thấy bằng cấp càng cao thất nghiệp càng nhiều! Và con số này đang tiếp tục gia tăng do lượng sinh viên tốt nghiệp mới ra trường ngày một đông. Vậy trong mùa tuyển sinh này, thí sinh sẽ cân nhắc chọn học ngành gì, bậc học nào để dễ có cơ hội việc làm, tránh thất nghiệp?
Không còn tỉnh táo để chọn ngành nghề yêu thích
Mấy ngày qua, bức tranh chung hỗn loạn đang diễn ra ở các trường ĐH, thí sinh nháo nhào rút - nộp hồ sơ và không còn đủ tự tin để cân nhắc xem ngành học, bậc học mà mình nhắm đến có hợp với năng lực, sở trường của mình hay không. Bạn Nguyễn Thiện H. đã đeo đuổi giấc mơ học ngành kiến trúc từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, nhưng trước sự thay đổi về quy chế tuyển sinh, tính cạnh tranh cao và khó đoán được điểm chuẩn chính xác khi lượng thí sinh đăng ký đông nên đành từ bỏ đam mê, chuyển sang ngành học khác thuộc trường top dưới. Sở dĩ, H. chọn sự an toàn là để chắc chắn có một tấm vé vào ĐH đáp ứng mong mỏi của cha mẹ và bản thân cũng yên tâm, vì ra trường sẽ có tấm bằng cử nhân. Trao đổi với chúng tôi, nhiều thí sinh cũng bộc bạch rằng với cách tuyển sinh mới áp dụng năm nay, các em và phụ huynh dễ bị tăng huyết áp, đau tim. Thay vì cân nhắc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp với đam mê, sở trường, nhiều thí sinh chỉ mong muốn tìm được chiếc phao may mắn đậu ĐH ngay ở nguyện vọng 1- thay vì rớt do đặt hy vọng quá cao.
Theo bộc bạch của thạc sĩ Tuyết Nhung, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), nhìn thí sinh lao vào cơn lốc “nộp - rút - nộp” hồ sơ như hiện nay mà không tính đến năng lực, đam mê, sở trường, chúng ta không thể không lo ngại. Do áp lực phải đậu ĐH quá lớn cộng thêm sự hoang mang vì thiếu thông tin, không biết rõ điểm chuẩn tuyển sinh của các trường nên nhiều em rối trí, không còn tỉnh táo để lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp. Thậm chí, nhiều em sợ rớt ĐH nên cũng sớm từ bỏ đam mê ngành học yêu thích.
Sau khi tranh nhau nộp hồ sơ, bây giờ thí sinh và phụ huynh chờ đợi rút hồ sơ. Ảnh: THANH HÙNG
Tương tự, nhiều phụ huynh cũng đau đầu trước “canh bạc” đăng ký nguyện vọng chọn trường cho con như thế nào để có được một suất học ĐH. Có thể nói cơn sốt vào ĐH năm nay căng thẳng và quyết liệt hơn những năm trước bởi sự thay đổi đột ngột và phát sinh nhiều bất cập trong quy chế tuyển sinh. Ngay cả những thí sinh có điểm cao cũng không dám tự tin chọn nghề mình yêu thích. Và một khi thí sinh hoảng loạn vì không xác định được mục đích của bản thân, chọn nghề hướng nghiệp theo cảm tính, thậm chí không biết rõ ngành mình theo đuổi có phù hợp với nhu cầu của xã hội trong 4 - 5 năm tới thì xã hội sẽ đón nhận thêm đội quân thất nghiệp khổng lồ. Đó là cảnh báo của các chuyên gia về lao động.
Báo động cử nhân thất nghiệp tăng cao
Theo các chuyên gia, bằng ĐH không phải là thước đo để xin việc làm và có thu nhập như mong muốn. Trước thực tế cạnh tranh về việc làm cao, đội quân thất nghiệp quá đông, doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn ứng viên sáng giá, biết làm việc thực thụ, chứ không cần bằng cấp cao. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp có tâm lý thích sử dụng lao động giá rẻ, có trình độ cao đẳng, trung cấp để trả mức lương thấp, giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, với những công ty, doanh nghiệp cần tuyển những vị trí nhân lực có trình độ cao, có kỹ năng thì phần đông ứng viên lại không phù hợp. Kết quả khảo sát cho thấy 82% sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng đào tạo bậc ĐH, trong đó đầu vào tuyển sinh quá dễ dãi, đào tạo kém chất lượng, chỉ dạy lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành chuyên sâu. Bên cạnh đó, nhiều chủ sử dụng lao động cũng cho rằng nhiều sinh viên mới ra trường đặt kỳ vọng quá cao về bản thân và tâm lý “sính” bằng cấp chỉ muốn làm việc nhẹ nhàng, lương cao cũng khiến họ khó bắt nhịp với việc làm trong thời khủng hoảng thừa này.
Thực tế cho thấy, nếu xuất phát điểm các bạn trẻ chưa biết rõ mình thích gì, muốn làm công việc gì trong tương lai thì không thể chạm vào đích đến. Việc nhiều thí sinh đang nhắm mắt chọn nguyện vọng với nhiều ngành học cùng một lúc chẳng khác gì cá cược với canh bạc và khi trúng ngành không thích, thí sinh cũng phải chấp nhận “kết duyên” với nó. Đừng vì chạy theo tấm bằng cử nhân mà gượng ép bản thân phải học 4 năm trong ngôi trường mình không thích với những môn học không thuộc sở trường, năng lực. Mỗi thí sinh đều có khả năng, năng khiếu riêng và nếu rớt ĐH, các bạn vẫn còn nhiều ngã rẽ dẫn đến thành công như học nghề, học bậc cao đẳng nghề.
Trong thời gian qua có nhiều cử nhân thất nghiệp đã ngược dòng, quay lại học nghề, bổ sung kỹ năng thực hành để dễ tìm kiếm cơ hội việc làm. Như thế, để giảm tỷ lệ thất nghiệp, Bộ GD-ĐT phải thắt chặt đầu vào tuyển sinh và không cho phép mở ngành học tràn lan, đào tạo vô tội vạ, cho ra sản phẩm nhân lực bị lỗi nhịp với thị trường lao động như hiện nay. Đừng để thí sinh tốn công sức, thời gian, lãng phí tiền bạc theo đuổi giấc mơ ĐH nhưng ra trường lại khóc ròng vì thất nghiệp.
HOÀNG ANH