Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010. Trong đó, mục tiêu chính mà đề án muốn hướng đến là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp MN 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở GDMN được học chương trình GDMN mới, 95% số trẻ trong độ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Đề án cũng đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên MN, đảm bảo 100% giáo viên dạy MN 5 tuổi vào năm 2010. Đồng thời, ưu tiên cơ sở vật chất, phấn đấu đưa các địa phương đạt chuẩn phổ cập GDMN 100% vào năm 2015. Lộ trình phổ cập GDMN được tiến hành trong 6 năm gồm hai giai đoạn: giai đoạn 2010 - 2012, giai đoạn 2013 - 2015 với tổng kinh phí thực hiện là 14.660 tỷ đồng
Lộ trình và mục tiêu Bộ GD-ĐT đặt ra là rất hợp lý, không chỉ cho thấy sự đúng đắn của một đề án mang tầm quốc gia, mà còn mang lại sự phấn khởi toàn ngành. Rất nhiều kỳ vọng đã được giáo viên, cán bộ (GV, CB) quản lý bậc MN đặt ra khi đề án khởi động.
Bởi việc triển khai đề án phổ cập MN 5 tuổi không chỉ đảm bảo quyền lợi học tập của hầu hết trẻ 5 tuổi trên phạm vi cả nước, nó còn tạo tiền đề và tâm thế sẵn sàng một cách tốt nhất khi trẻ bước vào lớp 1. Thực tế cũng cho thấy rõ điều này, khi đến nay sau 3 năm triển khai đề án, những tín hiệu tích cực về việc nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ MN, công tác kiện toàn đội ngũ và cơ sở vật chất, trường lớp đã có những đổi thay tích cực. Nhiều địa phương từ chỗ thường xuyên thiếu hụt GV, trường lớp cho học sinh bậc MN thì đến nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực mà đề án phổ cập GDMN 5 tuổi đang mang lại, cũng có không ít điều khiến nhiều GV, CB quản lý cấp phòng, cấp trường trăn trở và lo lắng… Và càng đáng tiếc hơn khi mặt trái và những lo lắng về tính bền vững của một đề án mang tầm quốc gia lại đến từ hai chữ: thành tích.
Theo phân tích của vài chuyên gia giáo dục, mục tiêu và lộ trình của đề án phổ cập GDMN 5 tuổi được Bộ GD-ĐT xây dựng và đặt ra hết sức khoa học. Nó không chỉ cho phép các địa phương có thời gian nhìn lại tiềm lực, cơ sở vật chất, đội ngũ GV của chính mình… để từ đó có chiến lược xây dựng, kiện toàn trường lớp, đội ngũ. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn (thiếu GV, quá tải trường lớp, hy sinh suất học của trẻ 3 - 4 tuổi...), nhưng rất nhiều địa phương vẫn “mạnh dạn” đăng ký với Bộ GD-ĐT cán mốc hoàn thành phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi vào năm 2012 (mới giai đoạn đầu). Thực tế bất cập trên đặt ra rất nhiều câu hỏi không chỉ đối với những người trong ngành, mà với cả những người ngoài ngành giáo dục rằng: Có cần thiết không một cuộc “chạy đua” hoàn thành phổ cập MN 5 tuổi giữa các địa phương, khi mà các điều kiện cần (đảm bảo chỗ học) và đủ (đội ngũ GV) đều chưa đảm bảo?
Hệ lụy của cuộc “chạy đua” giữa các địa phương với nhau ai cũng có thể nhìn thấy, khi thực tế đầy bất cập đang phơi ra trước mắt. Học sinh MN 3 - 4 tuổi tất cả đều phải dạt ra các trường MN tư thục, lớp học tại các trường MN công lập tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… thì luôn đạt ngưỡng 50 - 60 cháu/lớp. Phụ huynh đáng lẽ chỉ gánh một mức học phí vừa phải nếu con họ được học ở trường công lập, nay phải tăng gấp 5 - 7 lần vì phải ra trường tư học. Sẽ ra sao khi địa phương nào cũng đặt ra mục tiêu năm 2012? Mục tiêu đề án phổ cập MN 5 tuổi hướng đến (nâng cao chất lượng dạy, chăm sóc trẻ MN) có đạt được không, khi mà sĩ số bình quân chung luôn ở mức 50 - 60 trẻ/lớp. Số trường tư thục với đội ngũ GV luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng?
Chúng ta xây dựng và triển khai đề án phổ cập trẻ MN 5 tuổi là nhằm hướng đến việc chuẩn bị một cách toàn diện cho trẻ khi các em bước vào lớp 1. Nhưng sẽ thật không công bằng khi vì trẻ 5 tuổi mà bắt các cháu 3 - 4 tuổi phải chịu thiệt thòi, phụ huynh thêm gánh nặng. Dù vẫn biết và xác định với nhau một sự hy sinh cần thiết (trẻ 3 - 4 tuổi) cho mục tiêu phổ cập trẻ MN 5 tuổi. Nhưng nếu các địa phương không vì thành tích, không “đốt cháy” lộ trình và giai đoạn Bộ GD-ĐT đã xây dựng, chắc sự căng thẳng về trường lớp, chỗ học, thậm chí là đội ngũ GV sẽ không nhức nhối như hiện nay.
Đỗ Ly