Lại chuyện “ao làng”

Những thông tin về quá trình chuẩn bị cho SEA Games 26 đang làm nhiều đoàn thể thao lo ngại khi đến thời điểm này nhiều địa điểm thi đấu vẫn chỉ mới đạt 60% - 70% tiến độ. Môn bóng đá sẽ thi đấu trước nhưng mới đây lại vừa thay đổi lịch thi đấu, dời sớm hơn 4 ngày so với lịch cũ và cũng chưa tiến hành bốc thăm chia bảng. Nhìn chung, những chi tiết nói trên không làm ai bất ngờ vì đây không phải là lần đầu, sự chuẩn bị cho SEA Games lại vội vội vàng vàng như vậy. Nhất là ở quốc gia đăng cai nhiều lần như Thái Lan, Indonesia.

Từ lâu, SEA Games vẫn bị xem là “ao làng” với vô số những bất cập từ công tác tổ chức đến sự lựa chọn nặng tính thiên vị của các nước chủ nhà cũng như sự thiếu công tâm trong công tác trọng tài. Nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã xem SEA Games như một cơ hội để rèn luyện cho các VĐV trẻ hơn là một đấu trường tranh đua về thành tích đỉnh cao. Ví dụ như Thái Lan năm nay sẽ gửi đội dự bị thi đấu ở 1/3 số môn. Singapore thì trong 4 kỳ giải gần đây đều không tăng số lượng môn thi đấu cũng như VĐV, đồng nghĩa với việc họ không quan tâm nhiều đến thành tích toàn đoàn.

Trong khi đó, sau thất bại tại Asiad 2010, thể thao Việt Nam cũng đã có chiến lược phát triển chiều sâu, tập trung vào các môn Olympic để thúc đẩy thành tích ở các môn phổ biến. Tuy nhiên, tại SEA Games 26, một lần nữa, chúng ta vẫn gửi đến Indonesia một lực lượng hùng hậu để đua tranh vào tốp 3, trong đó bao gồm những môn mang tính phong trào được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa.

Vụ lùm xùm quanh đội tuyển quần vợt mới đây cũng xuất phát từ sự thiếu thống nhất về mục tiêu thi đấu ở SEA Games. Người thì bảo nên gửi VĐV trẻ sang, người thì cho rằng nên dùng đội hình mạnh nhất, thế là có chuyện nửa trẻ - nửa kinh nghiệm gây ra sự bất đồng trong công tác tuyển chọn.

Dù nhiều quan chức cấp cao của thể thao Việt Nam chính thức nhìn nhận, SEA Games ngày càng giống “ao làng” nhưng rõ ràng chúng ta vẫn muốn dồn sức để thi đấu đủ các môn hòng thu gom số lượng huy chương. Theo thống kê sơ bộ, khoảng 2/3 số HCV mà Việt Nam đang phấn đấu nằm ở các môn phải là môn Olympic.

Ở một khía cạnh khác. Mới đây, có mạnh thường quân vừa treo thưởng đến 1 triệu USD cho chiếc HCV môn bóng đá. Số tiền ấy quá lớn và thật sự khiến người ta phải đặt câu hỏi: Có cần thiết không khi trình độ của một nền bóng đá không thể được đánh giá trên chiếc HCV của đội tuyển U-23. Tổng chi phí của đoàn thể thao Việt Nam trên dưới 700.000 USD còn đang được xem xét lại mức đầu tư, trong khi chỉ để có một HCV mà phải dùng đến chừng ấy tiền để kích thích. Dù treo thưởng là quyền của mọi người nhưng xét ở góc độ chung thì đấy là sự bất hợp lý bởi đoạt HCV là nghĩa vụ, trách nhiệm của đội tuyển U-23 nhất là sau hơn 50 năm, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có được vinh dự ấy.

Chúng ta đang cố gắng thúc đẩy một nền thể thao chuyên nghiệp mà ở đó chất lượng chiều sâu cần đặt lên hàng đầu chứ không phải ở số lượng hay một thành tích mang tính thời điểm nào đó. Không thể cứ hô hào làm chuyên nghiệp trong khi cách thực hiện lại cứ có xu hướng ủng hộ cho những điều mang tính ngắn hạn, thành tích ảo. 

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục