Câu chuyện chủ nhật

Lại kêu cứu

Những tưởng chuyện giải cứu phim Việt sẽ đi vào dĩ vãng thì ngay trong những ngày đầu năm 2019, chuyện cũ được nhắc lại. Và một lần nữa, đại diện ê kíp đoàn phim cho rằng, phim của mình bị chính nhà phát hành xử ép thông qua việc đưa ra lịch chiếu được cho là không hợp lý.
  
Trong thông cáo báo chí được đại diện nhà sản xuất (NSX) phát đi có viết: “Dù chỉ mới ra mắt chưa đầy một tuần lễ, thế nhưng, số lượng suất chiếu của Yolo - Bạn chỉ sống một lần - tác phẩm điện ảnh đầu tiên về giới underground tại Việt Nam lại bị nhiều hệ thống rạp giới hạn không thương tiếc”. 

Cái “không thương tiếc” được ê kíp nêu ra là, nếu muốn thưởng thức tác phẩm vào thời điểm hiện tại, khán giả buộc phải lựa chọn 3 khung giờ: sáng sớm (9 - 11 giờ), xế chiều (13 - 16 giờ) hoặc tối muộn (21 - 23 giờ). Bên cạnh đó, ê kíp cũng cho rằng, trường hợp của Yolo không giống với tiền lệ, tức là trong 3 ngày ra mắt đầu tiên phim đã không được bố trí lịch chiếu tối ưu nhất, ngay cả tại các cụm rạp thuộc hệ thống nhà phát hành của bộ phim này.  

NSX dĩ nhiên có quyền ấm ức và họ còn viện dẫn chuyện nhiều fan của Soobin Hoàng Sơn - nam diễn viên đảm nhận vai chính trong phim tỏ thái độ bức xúc trên mạng xã hội và cho rằng phim đang bị “xử ép”. Một điều cũng đáng chú ý không kém, ê kíp sản xuất còn đưa ra so sánh với trường hợp của Song Lang và cho rằng phim của mình kém may mắn khi vừa không được nhà phát hành ưu ái lại không có chiến dịch kêu gọi kiểu như “Cho Song Lang thêm một tuần nữa”. 
 
Từ trường hợp của Yolo, đây không phải lần đầu tiên một đơn vị sản xuất đứng ra tố cáo đơn vị phát hành và các cụm rạp “chèn ép” phim của mình. Tháng 9-2016, NSX bộ phim Găng tay đỏ cũng tố cụm rạp CGV sắp xếp lịch chiếu không hợp lý.


Kết quả là sau 10 ngày công chiếu, bộ phim đã bất ngờ ngừng chiếu trên cả nước. Sau đó, đơn vị sản xuất cũng hé lộ thông tin phim sẽ được chỉnh sửa và phát hành vào dịp khác nhưng cho đến nay, sự việc cũng chìm xuồng. Tháng 12-2016, một câu chuyện tương tự lặp lại với ê kíp Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ với lý do “đối tác phát hành CGV sắp xếp suất chiếu chưa thuận tiện cho khán giả”. Đối với cả 3 bộ phim nói trên, kịch bản lặp lại gần như mang tính “hệ thống” và hồi kết, có lẽ cũng không có gì khác biệt.  
Nếu theo dõi cả 3 sự việc nói trên, có thể thấy có một điểm chung khác liên quan đến câu chuyện chất lượng. Yolo dù được quảng bá là tác phẩm điện ảnh đầu tiên về giới underground tại Việt Nam, được đầu tư phần âm nhạc khá chỉn chu nhưng nội dung chưa tương xứng, kịch bản còn khá rời rạc. Găng tay đỏ cũng rơi vào trường hợp tương tự, thậm chí còn bị “tố” đạo ý tưởng phim truyền hình Nữ sát thủ. Trong khi đó, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ được xem là phim quảng cáo quá lộ liễu cho đơn vị tài trợ, trong khi nội dung cũng không có điểm nhấn.  

Việc ê kíp Yolo đem trường hợp của mình để so sánh với Song Lang có lẽ là sự khập khiễng không cần thiết. Không chỉ các nhà chuyên môn mà ngay cả khán giả đều thấy rõ hai bộ phim có quá nhiều khác biệt để có thể cùng đặt lên một bàn cân. Có rất nhiều lý do chính đáng để nhà phát hành lẫn những người làm nghề ưu ái và kêu gọi thêm những xuất chiếu cho Song Lang. Nếu cả 3 phim nói trên đạt chất lượng như Song Lang, câu chuyện “tố” nhà phát hành thiếu sự công bằng có lẽ sẽ thuyết phục hơn. Nếu nói về “chèn ép”, hẳn người hâm mộ điện ảnh Việt không quên trường hợp của Tấm Cám: Chuyện chưa kể khi bị nhà phát hành CGV thẳng thừng từ chối không nhận chiếu bộ phim này.  

Một NSX giấu tên khẳng định, thị trường điện ảnh Việt hiện nay cạnh tranh khá công bằng. Chỉ cần bộ phim hợp nhãn với khán giả, dù của nhà phát hành nào luôn được các cụm rạp hỗ trợ. Có những phim khởi đầu với các xuất chiếu không thuộc giờ vàng nhưng được khán giả đánh giá cao, tạo hiệu ứng mạnh, sau đó vẫn có cuộc soán ngôi phòng vé ngoạn mục. Và khi phim của mình không tốt, không đánh trúng tâm lý người xem sẽ không có lý do để biện minh. Một trường hợp khác là nếu một phim tốt, được ưu ái về xuất chiếu nhưng không mang lại doanh thu, tình trạng này không thể kéo dài. Song Lang là một điển hình như thế. Hầu hết các rạp chiếu đều có chỉ số rõ ràng cho từng phim để có lịch phát hành phù hợp. Đó là câu chuyện tất yếu trong kinh doanh, ngay cả tại Hollywood.
  
Thiết nghĩ, trong mọi trường hợp, sự đánh giá của khán giả sẽ là thước đo đúng đắn nhất, quyết định đến sự thành-bại về mặt doanh thu. Các nhà làm phim đều nhận ra rằng, gu thưởng thức và thị hiếu của khán giả ngày càng được nâng lên, không dễ gì đánh lừa họ bằng những tác phẩm có nội dung sơ sài hay kêu gọi sự “thương cảm” bằng những cách khác nhau. Thay vì đi đòi sự “công bằng”, hãy đầu tư để có những bộ phim thực sự chất lượng, đúng thị hiếu khán giả. Đó mới là con đường tiến tới sự chuyên nghiệp, để điện ảnh Việt chạm đến cái gọi là một ngành công nghiệp đúng nghĩa.

Tin cùng chuyên mục