Đành là “khổ lắm, nói mãi” khi đề cập tới chuyện học sử và thi sử ở trường phổ thông, nhưng năm nay chuyện dài đó lại được xới lên sau kết quả thi THPT quốc gia với hàng trăm thí sinh bị điểm “chết”.
Và điều đáng nói là đề thi sử “2 trong 1” của năm khởi đầu cho cải cách thi cử này có những câu dễ đến mức không ghi điểm mới lạ, mà nói như ngôn ngữ bóng đá thì sút bóng ra ngoài còn dễ hơn sút bóng vào lưới. Người ta lý giải là do kỳ thi được Bộ GD-ĐT tổ chức nên nó không “thông thoáng” như mọi năm từ kỷ luật phòng thi cho đến cách chấm thi, rồi chủ yếu phổ điểm yếu, điểm liệt rơi vào các thí sinh vùng sâu, vùng xa… và lỗi không phải do người “trồng cây” mà là lỗi nhận thức của người “bị trồng” - tức các em nhỏ - những người chủ tương lai của đất nước không biết rằng “dân ta phải biết sử ta”. Thật sự mà nói, tất cả nguyên nhân trên đều đúng và càng đúng nữa khi cho rằng chúng ta không thể đổ hết lỗi cho riêng ngành giáo dục.
Tất nhiên, sách giáo khoa cũng là một vấn đề gây tranh cãi, song đó là chuyện khác. Cái chính là muốn truyền cảm hứng, muốn “thông kinh sử” cho người học thì chúng ta phải “thoát sử”, phải thoát ra ngoài những con số khô khan bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là trên các phương tiện nghe - nhìn.
Ông A.Dumas, danh hào Pháp, tác giả của tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” khi được hỏi lịch sử là gì đối với ông đã mỉm cười nhún vai nói nó không là gì, “chỉ là cái đinh để tôi treo các bức họa của mình”. Và quả thật các nhân vật trong các trang sách của ông xem ra còn sống động hơn các nhân vật lịch sử do ông đã trao cho họ sự sống dù họ “đã sống” trong lịch sử. Còn chúng ta đối xử ra sao với lịch sử? Cái gì được chúng ta “treo” trên cái đinh lịch sử?
Trước tiên nói về bảo tàng của ta thì ôi thôi đủ thứ chuyện, chuyện gì cũng có trừ chuyện không biết “treo” cái gì bên trong. Về “lượng”, sau khi có thông tin về 2 dự án “khủng” là Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội với mức đầu tư sơ sơ trên 11.000 tỷ đồng và TPHCM đề xuất xây dựng Bảo tàng TPHCM trên diện tích 15,45ha tại quận 9 thì cả nước sẽ có tổng cộng 149 bảo tàng. Con số thống kê còn kể “tích” rằng từ năm 2005 đến nay có 32 bảo tàng được xây mới, trong đó có những bảo tàng được đầu tư “tiền tấn” như Bảo tàng Hà Nội hơn 3.000 tỷ đồng, Bảo tàng Quảng Ninh gần 900 tỷ đồng… Tuy nhiên “chất” bảo tàng lại không tương xứng.
Bảo tàng Hà Nội về khâu kiến trúc tuy mang tiếng xây cất có “phong thủy” là một cái nhà to đùng lộn ngược bên hồ nước giống như đang “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” (lời thơ Hoàng Cầm) nhưng dù đã đi vào hoạt động 5 năm vẫn vắng như chùa Bà Đanh do không có gì để coi.
Ở TPHCM, trong 7 bảo tàng trực thuộc Sở VH-TT thì chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là hút khách nhất với mức cao điểm đón mỗi ngày khoảng 2.000 người tham quan, còn lại thì cũng lúc có lúc không, rất thất thường.
Đành rằng đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, phải lâu dài, bền bỉ, kiên trì, song cái cách chúng ta làm lại quá chụp giựt, quá lãng phí, nhiều công trình không thể quyết toán được… Chúng ta lo xây “vỏ” khủng trước rồi mới nghĩ tới “ruột” sau (và rút “ruột” chắc là nhanh hơn) và các chuyên gia văn hóa chỉ là những người “có tên” trong ban quản lý dự án mà không có tiếng nói quyết định gì. Cũng giống như chuyện xây Văn miếu ở một số tỉnh với mức cả trăm tỷ đồng mà xây xong rồi cũng không biết thờ ai?! Như thế thì làm sao con cháu chúng ta hiểu được bề dày, chiều sâu văn hóa của mỗi thời đại lịch sử, làm sao chúng lại không thờ ơ với lịch sử oai hùng của dân tộc.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay được các nhà giáo hàng đầu đưa ra là học sinh chúng ta tuy mù mờ về sử ta nhưng lại rất tinh thông sử ngoại, nhất là lịch sử Trung Quốc qua các kênh giải trí như phim ảnh, truyện tranh… Thực tế, họ làm sử rất giỏi, nhiều khi chỉ có tích nhưng người ta nhân cách hóa lên, chỉnh sửa, thêm thắt để lại ấn tượng cho người xem.
Đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh từng làm các phim về đề tài lịch sử như “Hà Nội - mùa đông 46” (1997) và “Nguyễn Trãi” (1980) nhận định rằng, người làm điện ảnh Việt Nam chưa có sự chuẩn bị để làm phim lịch sử. Âu là đúng vậy. Như trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, cận kề ngày lễ người ta mới vội vàng nghĩ đến chuyện làm phim lịch sử nhưng vì không có sự chuẩn bị trước nên mặc dù tốn rất nhiều tiền cho các cuộc thi viết kịch bản, cho các chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm làm phim lịch sử ở Trung Quốc, kết quả vẫn không có được một bộ phim xứng đáng với ngày đại lễ như mọi người mong đợi.
Còn nhiều chuyện khác nhưng chung quy chúng ta không có đủ nền tảng kiến thức cần thiết, còn manh mún làm theo thời vụ trong một đề tài khai thác không đơn giản. Và đấy là còn chưa nói tới các lĩnh vực văn học, sân khấu mà chúng ta còn sợ nhiều “cấm kỵ”, không dám khai phá các vỉa tầng lịch sử một cách sinh động.
Và xin kết lại bằng câu nói của nhà văn Nga Pautovski - tác giả của “Bông hồng vàng” danh tiếng: “Xin các nhà sử học đừng giận tôi, nhưng quả tình rằng tiểu thuyết của Alexis Tolstoi cho tôi nhiều điều bổ ích về thời kỳ Pie đại đế hơn nhiều công trình lịch sử”.
BÍCH AN