Sau nhiều năm quay về “sân nhà”, các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất gần như đã chinh phục được thị trường trong nước khi các sản phẩm đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì hiện nay dù sản phẩm đẹp, chất lượng, giá cả rất cạnh tranh… các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm đầu ra khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Èo uột thị trường!
Không phải đợi đến hôm nay mà thực tế trên gần như đã diễn ra ngay từ giữa tháng 2-2012. Theo giới kinh doanh hàng nội thất tại TPHCM, chỉ vài tháng cận tết của năm 2011 thì thị trường còn sốt, nhưng sau đó từ tháng 2-2012 trở đi thì gần như thị trường nội thất trong nước đã thật sự khó khăn. Dạo quanh các khu vực chuyên bán hàng nội thất tại TPHCM như: đường 3-2, Ngô Gia Tự, (quận 10); Trần Hưng Đạo (quận 5); Nguyễn Xí, Điện Biên Phủ (Bình Thạnh); Cộng Hòa (Tân Bình); Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung (Gò Vấp)… trước đây gần như lúc nào cũng đông khách hàng thì nay vắng teo. Trao đổi với chúng tôi, các chủ kinh doanh tại đây cho rằng, gần như từ đầu năm đến nay không bán được bao nhiêu sản phẩm, doanh số giảm đến trên 50%. Chủ một showroom nội thất có tiếng trên đường 3-2, quận 10 cho biết: “Chưa bao giờ mặt hàng nội thất lại khó khăn như hiện nay. Trước đây khách hàng đến đặt không kịp giao thì nay hàng cứ nằm chờ, cả tuần mới bán được bộ bàn ghế với giá chỉ dăm ba triệu đồng.
Ngày nào nhân viên chúng tôi cũng lo quét bụi đến mỏi cả tay, bán không đủ trả tiền lương cho họ…”. Cũng với thực trạng này, nhiều công ty, siêu thị, cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất lớn tại TPHCM cho biết, từ đầu năm tới nay tình hình chung của thị trường đồ gỗ nội thất đang ế ẩm chưa từng thấy. Có đơn vị cho biết, sức mua tại thị trường đã giảm đến 60% so với năm trước. Cũng theo các đơn vị kinh doanh, phân khúc sản phẩm nội thất cũng đã sụt giảm đáng kể, trước đây còn có khách đến mua những bộ nội thất có giá cao, chọn gỗ tự nhiên có giá từ 80 triệu đến vài trăm triệu là chuyện thường, nhưng nay thì “tìm đỏ con mắt” cũng chẳng thấy đâu. Đa phần các cửa hàng chỉ tiêu thụ được những sản phẩm ở tầm trung, giá không vượt quá 5 triệu đồng/sản phẩm chủ yếu là các loại giường, tủ, bàn ghế làm bằng chất liệu gỗ bình thường. Lý giải về vấn đề này, giới kinh doanh đồ gỗ nội thất đều cho rằng do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng cộng với người dân đang “thắt chặt chi tiêu” trong thời kỳ bão giá dẫn đến tình trạng ế ẩm.
Khi chúng tôi hỏi, hàng ế sao không giảm giá, tăng khuyến mãi để kích thích người tiêu dùng? Hầu hết các chủ kinh doanh hàng nội thất đều cho rằng, họ đã giảm giá, nhiều khuyến mại đi kèm nhưng vẫn không ăn thua. Chị Hằng, một chủ kinh doanh trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp cho biết: “Chúng tôi đã giảm giá đến mức thấp nhất và không thể còn giảm giá được nữa nhưng người tiêu dùng đến xem là nhiều chứ không mua. Kinh doanh mặt hàng nội thất chúng tôi phải sử dụng vốn vay rất nhiều, vì tiền “nằm” rất lớn, với thị trường ế ẩm kiểu này, vừa phải chi phí mặt bằng, tiền nhân viên… quả thật nếu cứ đà này thì dễ đóng cửa mất”.
Phải tìm được lối đi riêng...
Hàng hóa ế ẩm không bán được, khách vắng, doanh thu liên tục giảm sút... đó là thực trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh hàng nội thất trong giai đoạn hiện nay. Thực tế trên không phải đến hôm nay mới “vỡ ra” mà gần như nó đã được dự báo từ năm trước. Theo đánh giá của Hội Mỹ nghệ gỗ và Chế biến gỗ TPHCM, trong năm 2011 có đến 55% doanh nghiệp gỗ trong nước bị lỗ trong sản xuất kinh doanh và đang sản xuất cầm chừng. Khoảng 30% doanh nghiệp đang hoạt động ở mức hòa vốn và chỉ 15% doanh nghiệp có lãi nhưng ở mức thấp. Theo đánh giá của các nhà quản lý, trước thực tế khó khăn chung này để tạo được hấp lực mới và tồn tại trong một thị trường chung đang khó khăn, doanh nghiệp gỗ phải tìm được một lối đi riêng. Ghi nhận từ thị trường, một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất có quy mô lớn đã tìm được hướng đi khác biệt mới, đã tạo được mức tăng trưởng dương trong thời gian gần đây, đó là Hà Nam Group.
Theo đánh giá của giới kinh doanh đồ nội thất, sở dĩ Hà Nam đã làm được điều đó vì thời gian qua doanh nghiệp này đã hoạt động kinh doanh đa ngành nên đã tạo được cán cân thanh toán. Bên cạnh đó mặt hàng nội thất Hà Nam đã và đang trở thành sản phẩm Việt đang được người tiêu dùng tin dùng vì không chỉ có chất lượng, mẫu mã đẹp mà giá cả rất cạnh tranh ngay cả với phân khúc của hàng nhập khẩu. Một cán bộ trong Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đã nhận định, cái cơ bản nhất là Hà Nam đã biết tính toán hợp lý, tập trung vào dòng sản phẩm có giá cả phù hợp với thị trường và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó Hà Nam cũng đã không ngừng đầu tư công nghệ vào dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chú trọng thị trường trong nước và đã không ngừng tiếp thị hình ảnh và đem sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng qua các triển lãm, hội chợ về đồ nội thất được tổ chức rất quy mô trong thời gian qua. Không chỉ thế, thời gian gần đây Hà Nam còn biết kết hợp những lợi thế kinh doanh khi khai trương và đưa vào phân phối hàng điện máy song hành cùng hàng nội thất, đã tạo thế đứng “chân kiềng”: nội thất - điện máy - nhà hàng, bất động sản, sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng khi chọn Hà Nam là “địa chỉ” mua sắm, tiêu dùng… nhiều tiện ích. Với chiến lược phát triển bền vững, đa ngành, thì dù cho thị trường đang rất khó khăn thì Hà Nam sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn cho người tiêu dùng trong buổi kinh tế còn khó khăn.
Quỳnh Anh