Ngày 24-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có phiên họp thẩm tra dự thảo báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ.
Lãi suất giảm thúc đẩy kinh tế phục hồi
Tại phiên họp, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP quý 1-2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Trong quý có hơn 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 111.000 tỷ đồng (tăng 3,8% về số doanh nghiệp và 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tính đến ngày 24-3, toàn bộ 289 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 đều đã thành lập ban chỉ đạo (trong đó có 29 doanh nghiệp đã cổ phần hóa).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2015 tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tăng thấp chủ yếu do tác động giảm giá dầu trên thế giới và nguồn cung dồi dào, trong khi tổng cầu chưa phục hồi hoàn toàn. “Lãi suất tiếp tục giảm là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Tuy nhiên, theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), một yếu tố rất đáng lưu ý là năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 1,84%, thấp xa so với chỉ số lạm phát kỳ vọng là 6,5% - 7%. “Tôi đề nghị làm rõ đây có phải là thành công hay không? Bởi vì doanh nghiệp căn cứ trên chỉ số lạm phát kỳ vọng để đi vay vốn sản xuất kinh doanh (lãi suất lên đến 10% - 11%/năm), trong khi lạm phát thấp như vậy thì có nghĩa là lãi suất thực tế rất cao”, ông Lịch nói.
Vẫn theo TS Trần Du Lịch, năm 2015 sự phục hồi là có thật, mặc dù chất lượng phục hồi thì còn phải bàn. Nhưng lãi suất giảm thực sự là nhân tố tích cực; thậm chí nên tính toán để có thể giảm tiếp.
Ghi nhận những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói: “Bốn năm nay chúng ta mới được nghe một báo cáo có khí thế và triển vọng tốt như quý 1 năm nay”.
Còn hàng loạt trăn trở về nông nghiệp, nợ xấu
Tuy nhiên, các ĐB Trần Du Lịch, Cao Sỹ Kiêm và nhiều thành viên khác trong Ủy ban Kinh tế vẫn tỏ ra chưa thực sự yên tâm. Ông Cao Sỹ Kiêm bày tỏ lo âu: “Tình trạng doanh nghiệp phá sản, khó khăn vẫn rất lớn, mà tăng trưởng vẫn tốt như vậy là do đâu? Nợ xấu hiện vẫn cao, gây nguy hại cho nền kinh tế, mới chỉ nhập kho, “xích” lại thôi; có ý kiến giải quyết từ từ, có ý kiến khác đề nghị phải giải quyết ngay, ta dứt khoát làm theo hướng nào? Hội nhập đã rất gần, nhưng tôi quan sát doanh nghiệp nhỏ và vừa thì họ còn lơ mơ lắm, chưa hiểu nội dung, lộ trình, tác động. Đặc biệt, tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nông nghiệp như dưa hấu, hành tím; sữa rồi cây mắc ca đang trồng theo phong trào, chưa biết số phận sẽ ra sao, “phải chăng do điều hành còn yếu kém”?
ĐB Trần Du Lịch cho rằng hiện tượng các doanh nghiệp “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp; mối quan hệ giữa người nông dân và những người đầu tư cho nông nghiệp cần được nghiên cứu cẩn trọng để thiết kế chính sách và cơ chế quản lý phù hợp.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đề xuất đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp. “Phải giúp người nông dân biết trồng cây gì, nuôi con gì, bao nhiêu là hợp lý. Các doanh nghiệp tiêu thụ thì không thể đi mua hàng hóa của từng hộ nông dân, nên phải thông qua các đầu mối là hợp tác xã (HTX); song phải nâng cao hiệu quả quản trị của mô hình HTX; kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa trong nông nghiệp và phải coi những sản phẩm không tuân theo các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hàng giả”.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề như nhập siêu (đặc biệt là với Trung Quốc); nợ xấu, tỷ giá… Khẳng định chắc chắn rằng, những số liệu thống kê là đáng tin cậy và cơ bản phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: “Đó là số đúng, tôi đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê làm kỹ. Đặc biệt, liên quan đến tỷ giá, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới ra, vì “để thế này chúng ta bị thiệt thòi do giảm khách du lịch và xuất khẩu giảm”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chính sách tiền tệ “không phải là thắt chặt, mà vẫn linh hoạt để hỗ trợ phát triển nền kinh tế”. Về nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang rất tích cực giải quyết, trong điều kiện ngân sách không dồi dào để làm việc này. “Từ khi Ngân hàng Nhà nước làm đề án trình lên để giải quyết thì tổng nợ xấu khoảng 17%; đến nay còn khoảng 3,25%”. Mặc dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu vẫn đề nghị Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ hơn về cách tính toán nợ xấu để các định chế tài chính quốc tế cũng như người dân thấu hiểu và tin cậy.
ANH THƯ