Lãi suất và đạo đức kinh doanh

Liên tiếp trong hai tuần qua lãi suất ngân hàng tăng nóng, đang là vấn đề rất đáng quan tâm, không chỉ của các nhà sản xuất kinh doanh, người có tiền cho vay, mà còn gây khó khăn cho cả những ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) trong bối cảnh kinh tế cuối năm có nhiều biến động mạnh do vàng và USD tăng giá. Có thể nói, sự biến động thị trường vàng, tiền tệ đã gây căng thẳng cho các nhà quản lý, kinh doanh tiền tệ. Chính vì lẽ đó, các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra như bơm tiền cho các ngân hàng, kiểm tra việc thực hiện lãi suất thực tế là nhằm ổn định cho được thị trường tiền tệ, góp phần giữ vững nền tảng sản xuất, giá cả - là những vấn đề cực nóng đang diễn ra.

Có thể thấy biện pháp mạnh mà NHNN đưa ra ngày 13-12 là rất đúng lúc và kịp thời. Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã có văn bản nghiêm khắc cảnh cáo đích danh Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh và Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh của Techcombank do đã làm ảnh hưởng đến thị trường lãi suất và gây mất ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Biện pháp cảnh cáo này được thực hiện sau khi ngân hàng này đã áp dụng “chiêu” hút tiền bằng việc tăng lãi suất huy động 17%/năm trong “3 ngày vàng” của Techcombank, đã làm ảnh hưởng đến thị trường vốn và gây mất ổn định thị trường tài chính - tiền tệ.

Ngay sau khi phát hiện sự việc nêu trên, ngày 9-12, NHNN có công văn số 9577/NHNN-CSTT yêu cầu Techcombank phải kịp thời rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn VND. Tuy nhiên, Techcombank vẫn không thực hiện nghiêm túc khi nhiều điểm giao dịch của ngân hàng này vẫn tiếp tục thực hiện việc huy động vốn với lãi suất cao dưới các hình thức khác nhau. Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã có văn bản nghiêm khắc cảnh cáo Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh và Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh của Techcombank. Techcombank phải làm rõ động cơ của mình về việc nâng lãi suất vượt khung, yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể cố tình không thực hiện chỉ đạo của NHNN.

Nhìn trên bình diện thị trường vàng, USD và tiền đồng Việt Nam trong hai tuần qua, một trong những yếu tố khiến giá vàng, USD giảm là do lãi suất huy động tiền đồng tăng nóng. Nguyên nhân của việc biến động lãi suất ngân hàng, theo dự đoán là có khả năng từ nay đến tết, các ngân hàng TMCP đều phòng thanh khoản cuối năm trước nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn và việc chi thưởng tết. Các ngân hàng TMCP chấp nhận đưa lãi suất lên cao nhằm thu hút được khoản tiền lớn để kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng khi có thông tin lãi suất liên ngân hàng có thể tăng đến mức 18% - 20%.

Bên cạnh các biện pháp quản lý, kiềm giữ lãi suất, không cho tăng nóng, NHNN chi nhánh TPHCM đang tiếp tục cử các đoàn kiểm tra các ngân hàng nhằm phát hiện các trường hợp “lách” phí, luồn các chương trình khuyến mãi tiền gửi tiết kiệm để huy động vốn với lãi suất cao. Tuy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã đạt được thỏa thuận 15% trần lãi suất huy động, nhưng vẫn có những ngân hàng TMCP vẫn tìm cách “xé rào”, đưa ra nhiều chiêu mới.

Do vậy, hơn lúc nào hết, để bình ổn lãi suất huy động, ổn định sản xuất kinh doanh trong những thời khắc cuối năm, Thanh tra NHNN chi nhánh TPHCM cần vận động người gửi tiền và cả người đi vay không chấp nhận các hình thức ký cho vay và vay vốn dưới dạng lãi suất thỏa thuận. Đây chính là kẽ hở khiến các biện pháp chống tăng nóng lãi suất huy động không đạt kết quả như mong muốn.

Giữ cho thị trường tiền tệ ổn định trong thời điểm hiện nay là bài toán khó cho NHNN. Tuy nhiên, việc bình ổn thị trường nhằm ổn định sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011, là rất quan trọng. Điều đó đòi hỏi các ngân hàng TMCP cần tỉnh táo và nghiêm túc chấp hành kỷ cương của Nhà nước. Đó cũng là việc thể hiện đạo đức trong kinh doanh. Bởi lẽ, vì lợi nhuận hoặc ý đồ cục bộ của mình thì sẽ đẩy thị trường vốn nước ta đi về đâu, khả năng chống chọi lạm phát sẽ khó khăn hơn do chi phí vốn đối với các doanh nghiệp quá lớn. Kết cục người lao động vẫn là đối tượng sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất, gặp khó khăn lớn nhất trong cơn bão giá, bão lãi suất.

Thăng Long

Tin cùng chuyên mục