Lại trăn trở tác quyền âm nhạc

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ra đời 12 năm và đó cũng là dấu mốc đánh dấu bước ngoặt lớn đối với nghệ sĩ khi quyền lợi của mình được bảo vệ, ý thức về tác quyền trong cộng đồng cũng được nâng cao. Nhưng cũng kể từ thời điểm đó tới nay câu chuyện về tác quyền luôn được ví như một thùng thuốc nổ luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể thổi bùng dư luận. Thực tế, ngay khi Bộ VH-TT-DL đã ban hành Thông tư 01/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định (NĐ) 15 năm 2016 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, rất nhiều nhạc sĩ đã bày tỏ sự băn khoăn về những quy định mới liên quan tới bản quyền.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia sẻ: Khi NĐ 15 bổ sung một số điều của NĐ 79 ra đời trước đó giới nhạc sĩ hồ hởi bởi căn cứ theo điều khoản đã đảm bảo quyền lợi cho giới sáng tác âm nhạc. Căn cứ vào các điều khoản về thủ tục với giới sáng tác âm nhạc, để đảm bảo quyền lợi sẽ có một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Đây cũng được xem là “bằng chứng pháp lý” để đơn vị bảo vệ bản quyền tác giả có thể làm việc rõ ràng, minh bạch với các đơn vị vi phạm tác quyền.

Tuy nhiên, theo Thông tư 01/2016/TT- BVHTTDL hướng dẫn thực hiện NĐ 15, thì các nhạc sĩ, người đại diện về tác quyền cho các nhạc sĩ mới “ngã ngửa” bởi “Thông tư không hề nhắc đến cam kết, hợp đồng với tác giả, mà còn lập lờ bằng cách đưa vào phụ lục kèm theo văn bản cam kết” - nhạc sĩ Phó Đức Phương phân tích. Theo mẫu văn bản này thì cá nhân/tổ chức xin phép biểu diễn chỉ tự mình cam kết rằng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm trong hoạt động biểu diễn. Và theo các nhạc sĩ hiểu thì các tác giả vẫn bị gạt ra ngoài khả năng bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình.

Phản hồi về những băn khoăn này, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Thông tư 01 khẳng định thông tư này không hề đi ngược lại tinh thần của NĐ 15. Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng vấn đề gây thắc mắc nhiều nhất là việc người sử dụng tác phẩm có thể không thực hiện đúng cam kết thực thi quyền tác giả sau khi đã được cấp phép.

“Tuy nhiên, cần phải thấy rằng theo NĐ 79 trước đây, đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ cam kết trong đơn xin cấp phép tổ chức biểu diễn. Đến NĐ 15 và Thông tư 01 thì đơn vị tổ chức đã phải có một văn bản cam kết riêng về vấn đề tác quyền. Cam kết này quy định rõ rằng nếu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đơn vị tổ chức biểu diễn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo bản án của cơ quan có thẩm quyền”, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh.

Liên quan đến yêu cầu phải có hợp đồng và giấy biên nhận trả tiền nhuận bút giữa tác giả và người khai thác, sử dụng tác phẩm trong hồ sơ cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp từng có ý kiến rằng: Việc quy định hồ sơ cấp phép tổ chức biểu diễn phải có hợp đồng và giấy biên nhận trả tiền nhuận bút giữa tác giả và người sử dụng tác phẩm là không phù hợp. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần áp dụng các phương thức bảo vệ quyền theo đúng quy định của pháp luật. Cũng theo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, thì việc kiểm tra, thẩm định nội dung hợp đồng, giấy thỏa thuận liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba... vượt quá hoặc không thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ VH-TT-DL cho biết, vào ngày 20-4 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, phổ biến NĐ 15 và Thông tư hướng dẫn thực hiện số 01. Theo Bộ VH-TT-DL, việc sớm có thông tư hướng dẫn sẽ giúp quá trình triển khai NĐ 15 sâu sát hơn vào lĩnh vực quản lý biểu diễn nghệ thuật, thời trang… Theo đó, mọi thắc mắc liên quan đến sự “lệch pha” giữa các văn bản sẽ được giải đáp tại cuộc họp tới đây.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục