Lái xe và điện thoại di động

Vụ tai nạn giao thông do xe khách băng qua đường ngang bị tàu lửa đâm làm 9 người chết tại chỗ ở Hà Nội khiến ai cũng bàng hoàng, sau đó là hoang mang. Người ta hoang mang khi nguyên nhân tai nạn chỉ vì tài xế… mải nghe điện thoại khi đang lái xe.

Hoang mang hơn khi hành khách trên xe đã nhìn thấy tai nạn có thể xảy ra, đã kêu la cảnh báo nhưng tài xế vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục… nghe điện thoại. Và hoang mang hơn cả khi bất cứ ai có dịp đi trên các chuyến xe đò, xe khách đường dài, xe vận tải du lịch, xe buýt… hiện nay đều chứng kiến cảnh tài xế thường xuyên nghe điện thoại khi đang lái xe.

Khi một hành vi cấm bị vi phạm, tai nạn đã xảy ra. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là giám sát và thay đổi hành vi.

Ở khía cạnh thứ nhất, đã là luật thì ai cũng phải chấp hành. Nhưng để thực thi pháp luật phải có cơ chế giám sát. Sở dĩ hành vi nghe điện thoại di động khi đang lái xe trở thành thói quen công khai của đa số tài xế là do thiếu sót trong khâu giám sát. Không có giám sát thì không có xử lý. Và như vậy, luật đã không được thực thi.

Khía cạnh thứ hai liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Khi ngồi vào ghế tài xế, người đó đã có ngay sự ràng buộc trách nhiệm với những người đi cùng trên xe và cùng lưu thông trên đường. Khi đó, bất kỳ hành vi nào của tài xế cũng có liên quan tới những người xung quanh, giống như hành khách cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện để đảm bảo cho tài xế hoạt động. Vì vậy, hành vi nghe điện thoại, chưa tính đến việc vi phạm luật, cũng đã đe dọa đến sự an toàn của hành khách và người đi đường. Một khi tài xế nhận lãnh trách nhiệm của mình mà cố tình gây đe dọa đến sự an toàn thì người đó không xứng đáng để thực hiện vai trò của mình. Điều này không biết các giáo trình đào tạo lái xe hiện nay có được nhắc tới hay không?

Lâu nay chúng ta vẫn hay chú trọng đến các khía cạnh kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Cả nước vẫn đang tập trung công sức, tiền của để nâng cấp, xây mới các công trình giao thông hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Khi có một tai nạn xảy ra thì yếu tố đường xấu, phương tiện không đảm bảo kỹ thuật… thường được cho là nguyên nhân chính. Trong khi đó, yếu tố con người, ở góc độ nào đó, có vai trò hết sức quan trọng thì chưa được xem xét kỹ nên đã không có những phương thức phù hợp khắc phục tình trạng này.

Một thống kê sơ bộ cho thấy, năm 2010 số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam còn lớn hơn cả thiệt hại do thảm họa động đất sóng thần gây ra ở Nhật Bản. Thảm họa thiên nhiên là không thể lường trước nhưng thảm họa do con người là có thể ngăn chặn. Mối liên hệ giữa người lái xe và chiếc điện thoại, vốn bình thường, nhưng trong trường hợp này có thể gây ra thảm họa. Vì vậy, để hạn chế thảm họa trong trường hợp này là giám sát để thay đổi hành vi với mức độ quan tâm của nhà nước và kinh phí tương xứng.

HOÀNG MAI

Tin cùng chuyên mục