Lâm Đồng: Một bản án oan sai đang chờ giám đốc thẩm

Lâm Đồng: Một bản án oan sai đang chờ giám đốc thẩm

Đã 5 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Phụng (ở phường 8 , TP Đà Lạt) luôn phải sống trong tình trạng bức xúc chỉ vì  một bản án oan sai và đang chờ được giám đốc thẩm.

Tóm tắt vụ việc

Lâm Đồng: Một bản án oan sai đang chờ giám đốc thẩm ảnh 1
   Lô đất bán hai lần. Ảnh:  CÔNG HOAN

Ngày 17-8-2002, ông Nguyễn Tấn Thanh (cán bộ TAND tỉnh Lâm Đồng) đưa hai vợ chồng ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Tô Thị Xem (ở Cam Ranh, Khánh Hòa) đến gặp hai vợ chồng bà Phụng đặt vấn đề mua lô đất có nhà của bà Phụng, diện tích khoảng 7.000m2 với giá 1,37 tỷ đồng. Lô đất gồm 3 thửa trong đó 2 thửa đã có sổ đỏ. Hai bên đồng ý giá cả và bên mua đặt cọc 500 triệu đồng.

Trong giấy đặt cọc có ghi: “Số tiền còn lại, bên mua sẽ giao đủ cho bên bán khi bên bán giao đủ giấy chứng nhận QSDĐ toàn bộ diện tích đất” và “nếu bên mua không tiến hành việc sang nhượng thì sẽ mất toàn bộ tiền cọc”.

Ông Thanh hứa nhận làm giấy tờ với giá 20 triệu và nhận trước 10 triệu, chính ông viết giấy đặt cọc, ký tên làm chứng việc mua bán. Ngày 25-10-2002, bên bán đã cho bên mua mượn 2 sổ đỏ và đã giao tất cả các giấy tờ liên quan cho bên mua để lo làm giấy tờ. Trong giấy mượn, ông Tuấn có cam kết “nếu tôi dùng 2 giấy QSDĐ sử dụng mục đích khác hay làm mất tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Thế nhưng, ngày 3-4-2003, ông Tuấn đã làm giấy chuyển nhượng lô đất trái phép cho ông Vũ Văn Thắng (ở 155 Phan Đình Phùng, Đà Lạt)  với giá 2,8 tỷ đồng và nhận đặt cọc 1,5 tỷ đồng khi các thủ tục chuyển nhượng chưa hoàn tất - nghĩa là đơn phương vi phạm các thỏa thuận mua bán giữa đôi bên. Ngày 8-4-2003, ông Tuấn đã móc nối với cán bộ địa chính phường 8 để nhận sổ đỏ thứ ba và giấu nhẹm đi.

Có tiền rồi, ông Tuấn cũng không trả thêm tiền cho bà Phụng và bà không hề hay biết chuyện hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng chính thức (đề ngày 10-4-2003) được UBND phường chứng thực vào ngày 14-4-2003 đều do ông Tuấn tự làm nhằm tiến hành sang nhượng trái phép cho ông Thắng. Chỉ đến khi vợ chồng ông Thắng chờ lâu quá chưa nhận được đất nên đến trách móc “sao không giao đất?” thì bà Phụng mới tá hỏa và quyết định không bán đất nữa.

Ngày 20-6-2003, hai bên ra phường hòa giải không thành, ông Tuấn lấy cớ chưa giao đủ sổ đỏ nên chưa giao đủ tiền, còn bà Phụng nhất quyết không bán nữa. Cuối cùng bà Phụng đã khởi kiện ông Tuấn ra tòa dân sự.

Sai lầm “chết người” của cơ quan tố tụng

Rõ ràng ông Tuấn đã vi phạm các thỏa thuận trước đó, tức sẽ bị mất toàn bộ tiền cọc. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm vẫn công nhận HĐ sang nhượng được ký khống giữa hai bên. Nhưng ngay cả trong HĐ này cũng không có một dòng nào buộc bên bán phải giao đất mà “bên nào không thực hiện những nội dung đã thỏa thuận thì bên đó phải bồi thường cho việc vi phạm hợp đồng gây ra theo quy định của pháp luật” nhưng tòa vẫn buộc bên bán tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thì có khác nào bao che cho sai phạm của bên mua? 

Trong cả hai phiên tòa, bên bán yêu cầu có nhân chứng là “cò đất” Nguyễn Tấn Thanh nhưng không được tòa chấp nhận (?).

Trao đổi với phóng viên SGGP, ông Thắng cho biết “khi bán lô đất của vợ chồng chị Phụng, ông Tuấn hứa trong vòng một năm sẽ hoàn tất sổ đỏ cho thửa còn lại nên hai bên đã làm HĐ bằng tay” vì vậy ông Thắng mới đặt cọc 1,5 tỷ đồng. Hơn một năm sau không thấy sổ đỏ ông tìm hiểu thì mới phát hiện việc mua bán giữa vợ chồng chị Phụng và ông Tuấn chưa hoàn thành nên đã hủy HĐ và hiện ông Tuấn đang nợ ông Thắng số tiền đặt cọc nói trên...

Cũng vì những sai lầm “chết người” này mà ông Vũ Bá Trọng (chồng bà Phụng) đã sinh bệnh mà chết.

Cán bộ phường lừa dân?

Trong vụ án này còn có sự tiếp tay của cán bộ UBND phường 8 (TP Đà Lạt) đã giúp ông Tuấn dễ dàng lấy sổ đỏ thứ 3 vào ngày 8-4-2003 mà không có sự ủy quyền nào của bên bán nhằm mua bán lòng vòng trục lợi phi pháp. Sau khi TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm, bên bán làm đơn tố cáo gửi Công an TP Đà Lạt và nhờ đó mới lấy được chứng cứ quan trọng là ông Tuấn đã thay mặt chủ đất ký lấy sổ đỏ thứ 3 và bản photo HĐ chuyển nhượng ghi ngày 10-4-2003 đã được ông Chủ tịch UBND phường 8 ký chứng thực sau đó 4 ngày.

Cũng vì sổ đỏ bị bên mua cố tình  “lấy cắp” nên bên bán không thể giao đủ như trong cam kết. Nhưng đến ngày 20-6-2003 cán bộ tư pháp phường vẫn ghi đòi hỏi vô lý của bên mua vào biên bản hòa giải “đề nghị ông Trọng bà Phụng giao đủ sổ QSDĐ nông nghiệp như trong thỏa thuận thì  tôi giao đủ số tiền còn lại”(?). 

Ngày 27-9-2007, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản “thỉnh cầu” TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao với nội dung: “Đề nghị quý cơ quan xem xét kỹ hồ sơ vụ việc để giải quyết cho công dân”.

Rõ ràng, trong vụ án này công lý đã bị bóp méo, rất cần được các cơ quan chức năng ở địa phương, trung ương xem xét để tránh oan sai cho người dân.

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục