Làm giàu trên chiến trường xưa

Năm nay Trung tá Hoàng Văn Đông (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 309, hiện ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) đã ngót 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh như một “lão nông tri điền”. Ông thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi tham quan khu trang trại ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước rộng khoảng 15ha gồm hàng ngàn nọc tiêu, hàng trăm gốc điều và 13ha cao su xanh ngút ngàn…
Làm giàu trên chiến trường xưa

Năm nay Trung tá Hoàng Văn Đông (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 309, hiện ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) đã ngót 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh như một “lão nông tri điền”. Ông thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi tham quan khu trang trại ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước rộng khoảng 15ha gồm hàng ngàn nọc tiêu, hàng trăm gốc điều và 13ha cao su xanh ngút ngàn…

Trung tá Hoàng Văn Đông đang chăm sóc vườn tiêu.

Trung tá Hoàng Văn Đông đang chăm sóc vườn tiêu.

Vừa đi ông vừa nhớ lại: “Trước đây tôi là lính chiến đấu tại chiến trường Lộc Ninh này, lúc đó chiến tranh ác liệt lắm nhưng nhờ có “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nên bộ đội đã lập được nhiều chiến công vang dội. Do gắn bó với rừng từ hồi còn trẻ, lại chứng kiến bao đồng đội ngã xuống trên mảnh đất này nên đến tận bây giờ tôi vẫn không thể xa rừng”. Để có được khu trang trại khang trang này, ông cho biết đó là “cơ duyên trời cho”. Những năm 1990, đơn vị ông được Nhà nước giao đất, giao rừng cho bộ đội khai phá, thế là ông và nhiều đồng đội khác được giao mỗi người khoảng 10 - 12ha đất rừng. Lúc đó mảnh đất dày đặc các loại cây rừng như: tre, trúc, le le, lồ ô, cỏ tranh, cỏ lác…, muỗi vắt thì nhiều vô kể. Điện, nước không có, đất rừng còn sót lại nhiều bom đạn và hài cốt liệt sĩ…

Do thiếu thốn trăm bề nên nhiều người đã bỏ cuộc, chỉ riêng ông vẫn gắn bó với rừng. Hồi đó, để có một lối đi rộng chừng nửa mét, dài chừng 500m, ông cùng mười mấy nhân công lao động dò mìn, phát quang bụi rậm cả ngày trời mới xong. Ông còn gom góp vốn liếng thuê xe ủi san lấp mặt bằng, biến những hố bom thành ao cá, biến đất rừng hoang hóa thành đất trồng cao su…

Sau 16 năm trời bền bỉ lao động, đến nay ông đã có một cơ ngơi khang trang nằm giữa rừng cao su xanh thẳm. Ông xúc động: “Ngay trên nền nhà tôi phát hiện mấy hài cốt liệt sĩ, điều đó cho thấy mảnh đất thấm máu xương liệt sĩ”. Nhờ biết “biến sỏi đá thành cơm” nên ông trở thành một gương cựu chiến binh quyết làm giàu trên mảnh đất chiến trường xưa. Mấy năm gần đây, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng nông thôn mới nên đã có nhiều tuyến đường nông thôn khang trang dẫn đến từng nhà dân giúp bà con tiêu thụ nông sản dễ dàng.

Riêng gia đình ông hàng năm thu hoạch tiêu, điều, cao su có lời khoảng 1,5 tỷ đồng, riêng thu hoạch tiêu mỗi tháng lời 40 - 50 triệu đồng, đó chưa kể trong vườn nhà ông lúc nào cũng có heo, gà, cá, rau… Chưa chịu dừng lại, với khoản tiền lãi thu được, ông vẫn tiếp tục mua thêm đất để mở rộng sản xuất và tậu được cả xe hơi, máy phát điện cùng nhiều phương tiện sản xuất khác. 

Khi đã có của ăn của để, hàng năm ông trích ra hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ những cựu chiến binh và người nghèo. Mới đây, ông tặng 10 triệu đồng giúp đồng đội cũ là ông Nguyễn Văn Liễn chữa bệnh tai biến và ủng hộ mấy chục triệu đồng để xây nhà tình nghĩa cho đồng đội. Ông còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên, bộ đội xuất ngũ…

Tại quận Tân Phú nơi ông cư trú, hễ chính quyền địa phương vận động đóng góp cho các phong trào ông đều gương mẫu đi đầu. Vừa qua, ông được bình chọn là gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được chọn là gương cựu chiến binh vượt khó làm kinh tế giỏi toàn quốc. Về phần mình, ông bộc bạch: “Là người lính từng vào sinh ra tử, được nhiều người dân che chở, đồng đội giúp đỡ để tôi có cuộc sống hôm nay. Tôi mang ơn cuộc đời này rất nhiều nên thường tham gia công tác từ thiện và giúp đỡ người nghèo cũng là lẻ thường tình”.

Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục