Làm giàu trên đất khó

Khởi nghiệp
Làm giàu trên đất khó

Ở những buôn, làng xa xôi tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai luôn có những câu chuyện kỳ thú, khiến nhiều người quan tâm. Nhưng câu chuyện về những người nông dân là đồng bào Ba Na, Jrai, luôn đi đầu trong việc làm ăn, giúp đỡ bà con trong vùng phát triển kinh tế, đã được người dân nhiều nơi kể lại với lòng biết ơn và khâm phục.

Ông Đinh Dũng ươm giống cây bời lời để cung ứng ra thị trường.

Ông Đinh Dũng ươm giống cây bời lời để cung ứng ra thị trường.

Khởi nghiệp

Theo lời giới thiệu của một cán bộ xã Ia Dưk, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), chúng tôi tìm đến nhà anh Rơ Mah M’Rao, Đội phó Đội 13 của Công ty Cao su 75 (thuộc Binh đoàn 15). Với làng Poong (xã Ia Dưk), hơn chục năm qua, anh là tổ trưởng kỹ thuật của làng, là cầu nối giữa bà con dân làng với công ty, giúp bà con làm giàu từ cao su và nhiều loại cây trồng khác, là tấm gương cho lớp trẻ trong làng noi theo.

Đường vào làng Poong ngoằn ngoèo, dài hun hút, đầy đất đỏ, trơn trượt giữa mùa mưa Tây Nguyên. Với những ai lần đầu đến đây rất dễ bị lạc dưới những tán rừng cao su xanh ngắt. Mặc dù vậy, không quá khó khăn để chúng tôi tìm được nhà Rơ Mah M’Rao, bởi đó là ngôi nhà xây kiểu Thái hiện đại, khang trang nhất làng, với đầy đủ tiện nghi khiến nhiều người mơ ước: một phòng rộng để chứa 6 xe máy, 2 ô tô, chưa kể máy cày... Cơ ngơi M’Rao bây giờ khiến bao người ngưỡng mộ, với hơn 10ha cao su, 10ha điều, 3ha cà phê, rồi lúa nước, rồi bò..., tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh xấp xỉ 500 triệu đồng. Tất cả số tài sản đó được M’Rao gầy dựng nên từ 2 triệu đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo và 20 triệu đồng của Công ty Cao su 75 cho vay. Vậy mà anh vẫn khiêm tốn: “Mình còn phải cố gắng nhiều. Không riêng gì mình, bà con làng mình không biết cách làm cao su. Mình chỉ biết làm nương, làm rẫy thôi, vì bao đời ông bà vẫn làm thế. Nhờ có Công ty Cao su 75 hướng dẫn cách bón phân cho cây, nay mình biết làm rồi, mình còn hướng dẫn lại cho bà con làm theo”. Theo cách nghĩ của người đàn ông Jrai chân chất này, muốn làm giàu thành công, trước hết phải chịu khó, chịu khổ. Từ một người không biết chữ, thậm chí còn không rõ bản thân đã được bao nhiêu mùa rẫy (tuổi tác - PV), M’Rao đã kiên trì theo bộ đội học chữ và thuần thục các kỹ năng chăm sóc cây trồng. Không những vậy, anh còn rất chịu khó và chưa bao giờ nản lòng trước thất bại. Có những thời điểm cà phê, hạt điều bị rớt giá, nhiều người trong làng đều chặt bỏ, nhưng M’Rao vẫn quyết tâm giữ lại. Anh còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” và đã thành công.

Cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông Đinh Dũng, một nông dân người dân tộc Ba Na ở làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện vùng sâu Kbang (tỉnh Gia Lai) được bà con dân làng khâm phục bởi ông luôn đi đầu trong việc làm ăn, giúp bà con phát triển kinh tế. Năm nay đã bước qua tuổi 50, nhưng chưa bao giờ Đinh Dũng “dám” rời làng đến một mùa trăng. Phần lớn thời gian đó ông dành hết cho nương, cho rẫy. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã líu ríu theo cha mẹ lên nương. Cũng từ đó, trong suy nghĩ non nớt của mình, Đinh Dũng đã có một quyết tâm phải làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Tới khi trưởng thành, trước sự bôn ba của bao lớp bạn, Đinh Dũng vẫn kiên định bám trụ ở nơi “chôn nhau, cắt rốn” khai hoang mở đất, phát triển diện tích cây trồng, vật nuôi. Ý chí và quyết tâm làm giàu của Đinh Dũng đã được đền đáp. Trong khi nhiều người bạn ngày trước ra đi rồi lại trở về tay trắng thì Đinh Dũng đã có một cuộc sống sung túc cùng vợ con. Năm nay, từ 3ha cà phê, 2ha sa nhân, 3 sào lúa nước và chăn nuôi đàn trâu thì thu nhập của gia đình ông tính sơ sơ cũng ở mức 200 triệu đồng. Ông bảo: “Số tiền này không phải để không đâu, tất cả đều có việc cả rồi đấy. Ngoài đầu tư phát triển kinh tế gia đình, lo cho hai đứa con gái ăn học, tôi sẽ dành ra một phần để giúp bà con trong làng Hà Nừng còn khó khăn phát triển kinh tế gia đình”.

Thành công

Có được những “quả ngọt” như ngày hôm nay, Đinh Dũng cũng phải trải qua nhiều khó khăn và áp dụng những cách làm... không giống ai. Điển hình là việc trồng cây sa nhân, một loại thảo dược quý trước đây có rất nhiều trong những cánh rừng ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, nhưng nay hầu như đã vắng bóng trước sự “tận thu” của con người. Trong những ngày trăn trở tìm loại cây thích hợp với thổ nhưỡng và có hiệu quả kinh tế, ông đã nghĩ ngay tới việc nhân giống và trồng đại trà cây sa nhân. Nghĩ là làm, ông tự mày mò học cách trồng và chăm sóc cây qua sách báo, ti vi. Không những vậy, ông còn tham quan những mô hình làm ăn có hiệu quả ở các tỉnh bạn, rồi về chắt lọc áp dụng phù hợp cho đất quê mình. Nhờ vậy mà giống cây sa nhân mới có dịp bén duyên với mảnh đất Hà Nừng.

Chỉ vào vườn sa nhân đang chín rộ, Đinh Dũng phấn khởi cho biết: “Phải hái sớm thôi vì giá sa nhân đang cao. Mình phải thuê mấy chục nhân công để kịp thu hoạch cả rừng sa nhân đấy. Nhưng mà kiếm người khó lắm, mình phải dùng cách riêng mới có đủ người”. Cách của ông là cho bà con dân làng ứng tiền trước khi họ cần. Đến lúc ông cần, chỉ cần ới một tiếng là bà con sẵn sàng đến giúp. Thế nên ruộng, rẫy nhà ông lúc nào cũng kịp thời vụ. Năng suất nhờ đó ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, có những trường hợp bà con đã ứng tiền nhưng đến vụ mùa, nhà nào bận rộn ông đều cho nợ công, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế.

Tâm sự với những triệu phú chân đất này, chúng tôi khâm phục tinh thần “vượt khó”. Những ngày đầu lập nghiệp của Rơ Mah M’Rao cũng không kém phần khó khăn. Từng là người kịch liệt phản đối việc các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 vào làm đường, vận động bà con lập lại làng, định canh định cư làm cao su, thì nay chính M’Rao lại là người đứng đầu toàn xã về sản lượng thu hoạch mủ cao su. Ngoài ra, M’Rao thuê hàng chục lao động, cả người dân tộc thiểu số và người Kinh làm việc theo thời vụ tại trang trại của gia đình mình. Hiện nay, cơ ngơi của M’Rao là niềm mơ ước của nhiều người, con cái ông được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống khá giả, ông lại giúp đỡ bà con cách làm giàu. Kể về những ngày đầu đi vận động bà con làm ăn, ông hào hứng hẳn lên: “Ngày đó, mình là người đầu tiên trong làng Poong cùng bộ đội đi đến từng nhà vận động bà con từ chuyện để máy cày vào ủi đất đến việc nhận đào hố, trồng và chăm sóc cao su. Vậy mà chẳng mấy ai hưởng ứng. Đến khi thấy mình nhận làm 10ha cao su thì cũng có 4 hộ nhận làm theo, nhận nhưng vẫn lo. Được Công ty Cao su 75 giúp sức, mình mua 150 bao gạo và 4 con bò chia đều cả 4 hộ để họ yên tâm làm việc, hẹn tới khi nào có tiền thu được từ cây cao su thì trả. Có bò để nuôi, có gạo để ăn, 4 hộ đó ngày càng vững dạ, yên tâm làm việc. Tới ngày nhận những đồng tiền đầu tiên, nhiều gia đình đã theo mình làm cao su”.

Phương châm của M’Rao là làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình từ cây cao su, cà phê mà bộ đội đã giúp. Việc làm của M’Rao đã góp sức cùng với Binh đoàn 15 phủ xanh rừng cây cao su trên đất đồi rừng vùng biên giới Tây Nguyên. Nói về Rơ Mah M’Rao, già làng Rơ Mah Chiu ở làng Poong, xã Ia Dưk (huyện Đức Cơ), cho biết: “Nó giỏi lắm, việc gì cũng làm được. Nhờ đi theo bộ đội, nó không những giúp kinh tế gia đình khá lên mà còn giúp dân làng mình biết trồng cà phê, biết làm cao su, biết trồng lúa nước. Cả làng mình bây giờ ai cũng đều làm công nhân cho Công ty Cao su 75, cuộc sống thay đổi hẳn, không còn lo đói cái bụng nữa”. Còn Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, ông Đinh Vong, người đàn ông Ba Na của làng Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang), tiết lộ: “Đinh Dũng là người đàn ông mẫu mực của buôn làng mình. Nó giàu nhất vùng đấy. Lũ con trai, con gái trong làng Hà Nừng đang nỗ lực làm giàu theo sự giúp đỡ của Đinh Dũng”.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục