Vài ngày qua, thông tin về Đề án xây Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La vừa được HĐND tỉnh Sơn La thông qua với kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đồng đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Đây không phải lần đầu tiên, xã hội “choáng” vì những con số, nhất là những con số mà sau đó cơ quan hữu quan đều giải thích: mang tính “khái toán”.
Sự việc này cho đến chiều 5-8 đã cơ bản sáng tỏ hơn sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ làm rõ một số nội dung về việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại TP Sơn La. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La cũng đã chủ trì buổi họp báo thông tin chính thức về vấn đề này. Theo đó, thực tế thì tỉnh Sơn La đã lập đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, trình HĐND tỉnh thông qua đề án tại Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 với nội dung và quy mô đầu tư lớn. Trong đó, nhóm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài chỉ là một trong các hạng mục chiếm khoảng 200 tỷ đồng. Đề án còn bao gồm việc xây dựng quảng trường đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị - văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; cả khu đô thị (ở và dịch vụ); hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, các công trình công cộng khác...
Cần khẳng định rằng, Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc, không phải chỉ đối với nhân dân vùng Tây Bắc mà bất cứ nhân dân ở vùng nào trên đất nước ta, đều luôn yêu kính Bác với tất cả tấm lòng. Tuy Bác đã đi xa chúng ta rất lâu, nhưng Bác không chỉ hiện hữu xung quanh người Việt Nam bởi những tượng đài, Bác vẫn hiện hữu hàng ngày trong chính tâm trí, tình cảm mọi người dân Việt. Tình cảm với Bác Hồ như chính lãnh đạo tỉnh Sơn La giải thích, là “không có gì có thể đong đếm được”. Vậy thì tại sao, khi thông tin về việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ tới 1.400 tỷ đồng, xã hội đã thực sự “dậy sóng”? Xã hội “dậy sóng” không phải vì so đo tình cảm yêu kính với Bác, mà vì câu hỏi: liệu Bác có đồng ý tỉnh Sơn La - một tỉnh nghèo của Việt Nam, vẫn còn phải trông chờ gạo cứu đói của nhà nước vào mỗi mùa giáp hạt lại bỏ ra tới 1.400 tỷ đồng để tạc tượng Bác và quảng trường hay không? Những người thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Bác Hồ và có ý thức học tập tấm gương Bác Hồ cũng sẽ không đồng ý. Bác giản dị, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí và một đời nghĩ cho nước, cho dân. Lo trước dân, vui sau dân. Nếu thấm nhuần tư tưởng đó của Người, chắc chắn sẽ không có những câu chuyện xây dựng trụ sở, tượng đài, quảng trường, bảo tàng, văn miếu nguy nga, đồ sộ... mà thời gian qua nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng.
Tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng mà xã hội quan tâm, theo Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định mới chỉ là con số khái toán của đề án. Con số khái toán này khiến chúng ta nhớ đến nhiều con số khái toán khác. Đơn cử như đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa 34.000 tỷ đồng mà ban đầu Bộ GD-ĐT đưa ra. Gần đây nhất thông tin có chủ trương xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày. Những con số khổng lồ này khi lộ ra, dư luận lại không khỏi băn khoăn. Trên các diễn đàn, lại đầy rẫy những hoài nghi: có hay không việc xây dựng các dự án đồ sộ để thực hiện động cơ không trong sáng, lợi ích cá nhân?
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc hiện nay, ở nhiều địa phương, việc xây dựng quảng trường hoành tráng đang có dấu hiệu phát triển thành “phong trào”, cá biệt có nơi còn xây mới “văn miếu”. Đây là việc làm đi ngược với sự chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển. Theo Thủ tướng, việc xây dựng quảng trường hay các công trình văn hóa như văn miếu là quyết định của cấp tỉnh. Chính phủ nói chung không rót vốn cho các công trình này. Trong những năm qua, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần vốn xây dựng một số quảng trường như: Quảng trường Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ gắn với di tích Đền Hùng, Quảng trường Nguyễn Tất Thành tại tỉnh Tuyên Quang gắn với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như vậy, việc xây dựng quảng trường hay các công trình văn hóa do tỉnh quyết định, tỉnh chi tiền. Nhưng vấn đề là, cho dù tiền ngân sách của trung ương hay địa phương, hay là xã hội hóa, thì cũng đều là tiền của của nhân dân, doanh nghiệp vất vả làm lụng mà có. Dù tỉnh có quyền quyết định, quyền huy động vốn, quyền chi, nhưng đã đến lúc nghĩ đến, thông qua, bắt tay vào làm những dự án đồ sộ, công sở mới hoành tráng với cả núi tiền hay chưa thì lại là cả một vấn đề, nhất là trong lúc dân nơi đó còn nghèo, còn khổ? Đó thực sự là một câu hỏi dai dẳng mà mọi người dân đều trông đợi chính quyền các cấp, ở các địa phương sẽ nhận thức, hành động bằng cả lương tâm và trách nhiệm cao nhất trước dân. Cần phải làm những gì khẩn thiết hơn cho người dân từ cơm ăn, áo mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh... trước khi cho người dân ngắm nghía những công sở hoàng tráng, những miếu mạo nguy nga, những bảo tàng đồ sộ mà thưa vắng bóng người.
LÂM NGUYÊN