Lạm phát cấp phó, lại còn nhiều “hàm”

* Từ nay đến năm 2020 tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan  Nhà nước
Lạm phát cấp phó, lại còn nhiều “hàm”

* Từ nay đến năm 2020 tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan  Nhà nước

(SGGPO).- Các chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng nay, 18-11, tập trung vào cải cách hành chính, thi tuyển cán bộ công chức; tiền lương…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. ẢNH:LÃ ANH.

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) thẳng thắn hỏi: “Bộ Nội vụ đã có cuộc thanh tra toàn diện công tác này ở Bộ Công thương trong vòng 45 ngày. Vậy đến nay kết quả ra sao, đã xử lý bao nhiêu cán bộ? Trách nhiệm Bộ trưởng Nội vụ là gì? Trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương đến đâu?”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, vụ việc ở Bộ Công thương là một cuộc thanh tra đột xuất, lấy mốc thời gian là từ đầu nhiệm kỳ nên cần thời gian để kết thúc thanh tra, không chỉ ở Cục Quản lý thị trường mà ở các các cục, vụ khác. “Hiện vụ việc đang được hoàn thiện hồ sơ. Do phạm vi thanh tra rộng nên chưa có kết quả để báo cáo”, ông Bình nói.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng nêu ra những vấn đề “gai góc” không kém. Bà chất vấn: “Cử tri nói nhiều về tình trạng lạm phát cấp phó, làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?”. Vấn đề tổ chức trong các bộ ngành cũng phức tạp, với rất nhiều tổ chức “con” như viện sự nghiệp có thu, rồi cả các đơn vị kinh doanh, bà An nhận xét.
 
Trả lời ĐB An, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, số lượng cấp phó trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. "Cụ thể là một bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, muốn tăng phải có đề án báo cáo các cơ quan thẩm quyền là Ban cán sự đảng, Chính phủ, Ban Tổ chức TƯ, Ban bí thư quyết định. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ trao đổi các bộ, Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít nhưng các bộ đề nghị số lượng nhiều, không gặp nhau".

Tuy nhiên, Bộ trưởng giải trình thêm, nhiều khi công việc quản lý đã nhiều, mà việc đi dự các cuộc họp ở trung ương cũng không thể đừng, lại “phải cấp Thứ trưởng đi mới được”… Nhưng không chỉ ở cấp Thứ trưởng, các cấp phó còn lại đều có quy định nhưng thực tế cuộc sống không theo: “Cấp bộ quy định 4 mà bình quân bây giờ là 5,4, cấp tổng cục quy định 3 nhưng bình quân 3,69, cấp vụ 3 nhưng bình quân 3,04, cấp sở 3 bình quân 3,06”, người đứng đầu ngành Nội vụ nói thêm. Chỉ có Bộ Nội vụ gương mẫu, chỉ có 4 Thứ trưởng, nhưng việc này chưa lan tỏa – ông Nguyễn Thái Bình nói. Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện văn bản quy định rõ số lượng thứ trưởng để tới đây "không phải bàn cãi".

Tiếp tục nêu ra một thực trạng đáng buồn trong hệ thống cơ quan nhà nước, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) truy vấn: “Dư luận phản ánh người có năng lực thì không vào làm nhà nước, có vào rồi cũng đi, trong khi bộ phận không có năng lực thì ngày càng nhiều. Vì sao số công chức tận tâm với công việc, có sáng tạo ngày càng ít, số “dạ vâng” và ham muốn làm lãnh đạo ngày càng nhiều?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đáp: “Có nhiều nguyên nhân, như sử dụng cán bộ công chức viên chức chưa đúng phẩm chất năng lực của từng cán bộ. Cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm. Chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chế độ tiền lương, đãi ngộ chậm cải thiện, việc tuyển dụng đầu vào có trường hợp chưa đáp ứng nhiệm vụ, chưa thực sự tuyển người có năng lực, tâm huyết”... Tuy nhiên, Bộ trưởng thông tin, vừa qua, Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ. Bộ đã bắt tay xây dựng đề án trình phê duyệt, để từ nay đến năm 2020 có thể  tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. "Đây là một bước đột phá trong công tác thu hút người tài”, vị Bộ trưởng khẳng định. Ngoài ra, cũng sẽ có giải pháp đổi mới cơ chế đánh giá; theo đó, cấp trên trực tiếp sẽ đánh giá người đứng đầu cấp dưới, cấp trên đánh giá cấp dưới và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong sử dụng cán bộ…
 
Tiếp tục vấn đề “cấp phó”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), một người có kinh nghiệm công tác nhiều năm trong ngành Nội vụ cho rằng, tình trạng lạm phát cấp phó còn liên quan đến việc ký bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu. “Bộ trưởng  tham mưu cho Chính phủ xử lý việc này thế nào? ” – ông Cương nêu vấn đề. ĐB Cương cũng cảnh báo, tình trạng một số cán bộ công chức “vô cảm với dân” có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng kéo dài tuổi nghỉ hưu một cách trái luật, không thôi chức vụ quản lý cũng tương tự.
 
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì phản ánh: “Công luận đã chỉ ra tình trạng lạm dụng “Hàm” Vụ trưởng. Tới đây liệu rồi có các loại “hàm giám đốc”, “hàm trưởng phòng hay không”? Bộ trưởng giải thích: “Hàm” là một khái niệm không được quy định trong pháp luật chung; nhưng lãnh đạo các cơ quan đã và đang vận dụng khá nhiều. “Bộ đã có đề án từ tháng 6-2014 để rà soát, nghiên cứu đề xuất giải pháp”…

Tổng kết phần chất vấn với Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cải cách tiền lương đồng thời với cải cách cơ cấu tổ chức. “Bộ máy nhà nước cứ y xì thế này thì không thể tăng lương” – đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nói và yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ công chức. Ông chia sẻ sự băn khoăn của ĐBQH về độ chính xác của những số liệu đánh giá về chất lượng cán bộ công chức (xem thêm box). Theo Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải có sự đổi mới ngay từ khâu thi tuyển để “không chỉ tránh người bằng giả mà cả người có bằng thật, nhưng kiến thức giả”. Song song với đó là hoàn thiện chính sách về trọng dụng nhân tài…

 “Trong năm 2013 phân loại cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ là 0,46%.

Về đánh giá, phân loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ là 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ là 0,24%. Có 23 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Có 7 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có viên chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với khối bộ, ngành trung ương có số công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì có 2 đơn vị. Đối với địa phương, có 4 đơn vị có tỷ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao”.

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trước QH)

Ý kiến về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình:

ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ:  “Phải nhìn thẳng vào thiếu sót là chưa công khai minh bạch”

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã giải trình khá thẳng thắn nhiều vấn đề, nhưng tôi nghĩ cốt lõi ở đây là phải nhìn thẳng vào thiếu sót ở một số bộ ngành địa phương vừa qua. Đó là chưa tuân thủ đúng các quy định về tuyển dụng cán bộ công chức. Ở không ít nơi, những người trúng tuyển đầu vào thi công chức viên chức gần như đã được “cài đặt” sẵn, là con cháu của một số người trong chính cơ quan ấy. Vừa qua cũng đã phát hiện ra một số trường hợp rồi, như vụ việc ở Bộ Công Thương và một số tỉnh. Thi cử mà người trong hội đồng thi lại là người nhà của thí sinh; rồi chấm thi thì lại không công khai điểm số mà chỉ nói trúng hay trượt! Cách thi tuyển như thế là không minh bạch, không thể tuyển được người giỏi, tâm huyết và tạo ra nhiều bức xúc cho xã hội. Phải công khai, minh bạch cả khâu tuyển dụng lẫn hội đồng thi, ban giám khảo và toàn bộ quá trình chấm, chọn…
Tương tự, với tinh giản biên chế cũng vậy. Giảm bao nhiêu, tiêu chí giảm như thế nào; nếu có quy định hợp lý, thực hiện công khai thì dù là việc rất khó khăn vẫn có thể làm được.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục