Chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012. Những tháng đầu năm 2013, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Song hành cùng kết quả tăng trưởng đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam bước đầu vượt qua giai đoạn khủng hoảng là sự nỗ lực không ngừng của nhiều doanh nghiệp trong việc kiên trì giữ vững hoạt động sản xuất – kinh doanh, đảm bảo ổn định công ăn việc làm cho người lao động và lợi nhuận cho công ty.
Kết quả đáng trân trọng
Theo thông tin từ Công ty CP Kỹ thuật - Xây dựng Phú Nhuận (PNTECHCONS), kết quả doanh thu 140,128 tỷ đồng thực hiện được trong năm 2012 và lợi nhuận sau thuế 24,726 tỷ đồng đều là các con số tăng trưởng dương so với năm 2011. Mức cổ tức chia cho cổ đông và các nhà đầu tư được công bố ngay kỳ Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 17-4-2013 vừa qua đạt 20%. Thu nhập bình quân trong năm 2012 của CBCNV PNTECHCONS cũng được ban lãnh đạo công ty duy trì ở mức 5,3 triệu đồng.
Quan sát bức tranh tổng thể của nền kinh tế đất nước ở góc độ tăng trưởng dương, bên cạnh PNTECHCONS còn rất nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra với kết quả kinh doanh đáng trân trọng. Thông tin công bố trên 2 sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) cho thấy, năm 2012 có khá nhiều doanh nghiệp đang niêm yết có chỉ số EPS (Earning Per Share, là lợi nhuận thu nhập trên mỗi cổ phiếu) đạt trên 10.000 đồng như DPR (Công ty Cổ phần Cao Su Đồng Phú, EPS 12.110 đồng), LHC (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng, EPS 11.426 đồng), NBB (Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy, EPS 10.977 đồng)… Hơn thế, chỉ mới khoảng nửa đầu năm tài chính 2013, khá nhiều doanh nghiệp đã bất ngờ đạt gần đủ hoặc phần lớn kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2013. Thông tin chính thức công bố trên HOSE của mã chứng khoán HSG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen) cho thấy: 7 tháng đầu niên độ tài chính 2012-2013 doanh thu công ty đạt 6.450 tỷ đồng, hoàn thành 58,6% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 450,3 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 12,6%. Lợi nhuận trước thuế quý 1/2013 của mã chứng khoán PPC (Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại) hiện cán mốc 1.000 tỷ, gấp 2,5 lần kế hoạch năm (400 tỷ). Hoặc như mã VIP (Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu VIPCO), lãi ròng quý 1 năm 2013 đã đạt 112 tỷ đồng xấp xỉ hoàn thành kế hoạch 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2013.
Động lực duy trì tốc độ tăng trưởng
Động lực cho những kết quả tăng trưởng dương trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012 theo các chuyên gia phân tích kinh tế đến từ hai phía: sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách và sự cố gắng của doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động, ổn định việc làm và thu nhập cho CBCNV và lợi nhuận cho công ty. Với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, phần lớn các khoản lợi nhuận đến từ việc thanh lý tài sản, từ tái cơ cấu hoạt động đầu tư tài chính hoặc đơn giản là hoạt động kinh doanh thuận lợi so với dự tính ban đầu. Ông Văn Bá Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc PNTECHCONS cho biết: Để vượt qua khó khăn của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, Ban lãnh đạo và tập thể CBCNV Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng Phú Nhuận – PNTECHCONS luôn cẩn thận rà soát và tập trung thực hiện những dự án mang lại hiệu quả cao, có khả năng thu hồi vốn và đảm bảo lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh công bố trên sàn HOSE của Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) cho thấy, tổng doanh thu năm 2012 tăng 16,3% so với 2011 và lợi nhuận ròng tăng 24,4%. Khủng hoảng kinh tế dường như tạo đà giúp thương hiệu này tăng thêm nỗ lực phấn đấu để duy trì hoạt động, đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, ổn định công ăn việc làm và thu nhập cho CBCNV công ty. Hiện Thiên Long có 5 nhãn hiệu: COLOKIT - Dụng cụ mỹ thuật, ĐIỂM 10 - Dụng cụ học sinh, TL – Bút viết các loại, FLEXOFFICE – Dụng cụ văn phòng và BIZNER – Bút cao cấp dành cho quản lý và lãnh đạo.
Trở lại với bức tranh tổng thể nền kinh tế đất nước, phần lớn ý kiến cho rằng khủng hoảng vẫn còn ảnh hưởng sâu đến tình hình hoạt động – phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội để duy trì, phát triển hoạt động cho doanh nghiệp tuy có thể ít đi, nhưng không phải mọi cánh cửa đều khép lại. Môi trường kinh doanh càng khốc liệt thì doanh nghiệp càng phải gia tăng, củng cố và duy trì năng lực cạnh tranh của mình thông qua những chiến lược, sách lược phù hợp tình hình thực tế: Đánh giá lại toàn diện công ty để biết trong tình hình khó khăn hiện tại đâu là điểm yếu cần loại bỏ và điểm mạnh có thể giúp doanh nghiệp “vượt lũ”. Ưu tiên cho các giải pháp liên quan đến vấn đề tài chính: giải pháp tái cơ cấu vốn, tài sản, giải pháp xử lý các vấn đề liên quan đến đầu tư và dòng tiền mặt bổ sung, giải pháp kiểm soát và quản lý tiền mặt... Song song đó, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực để bảo vệ các “tài sản” vô giá của mình như thị trường, khách hàng, đối tác, CBCNV nòng cốt, làm việc hiệu quả; đồng thời phải duy trì hình ảnh đẹp, giữ vững vị thế thương hiệu trên thị trường và sự tin yêu của khách hàng.
QUỐC TRÍ