Dư luận xã hội đang rất quan tâm trước sự việc ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và một số lãnh đạo của địa phương này bị đe dọa tới mức mà lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ.
Theo nhiều nguồn tin cho thấy, việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa bắt nguồn từ việc UBND tỉnh Bắc Ninh gần đây đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT đề nghị không cho tiếp tục thực hiện Dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty cổ phần Trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện, được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt từ năm 2014. Sở dĩ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng thực hiện dự án trên là do trong quá trình làm dự án đã xảy ra tình trạng hút cát trái phép, dẫn đến bờ bãi sông đã bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và khiến phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Có thể thấy việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị dừng dự án nạo vét luồng, tận thu cát trên sông Cầu là hoàn toàn phù hợp và kịp thời, thể hiện sự cương quyết của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo đảm an toàn đê điều và hơn cả là tính mạng của người dân.
Thế nhưng rõ ràng đề nghị của Bắc Ninh đối với việc dừng dự án trên lại động chạm tới không ít nhóm người và cả những thế lực chống lưng, động chạm tới “lợi ích nhóm” bởi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đâu phải là người phê duyệt, thực hiện và hưởng lợi từ dự án.
Cũng cần nhắc lại rằng, trước khi Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo dừng dự án trên thì lãnh đạo tỉnh này cũng đã nhiều lần gửi văn bản Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa nơi cấp phép và quản lý dự án trên đề nghị dừng thực hiện nhưng tất cả không có ý kiến phản hồi. Rõ ràng thái độ thờ ơ, xem thường ý kiến địa phương của các cơ quan chức năng trên khiến cho dư luận không khỏi bức xúc và cho rằng phải chăng do lợi nhuận vô cùng lớn của dự án trên đang chi phối một số quan chức, hay có một thế lực rất lớn đang “chống lưng” cho dự án làm bừa. Do đó, ngay khi nhận những thông tin đe dọa, tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc “các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa” cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khiến cho một đề xuất vì người dân lại trở thành một sự việc nghiêm trọng.
Đáng nói hơn, qua sự việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa khi đề nghị dừng dự án gây tổn hại cho địa phương cho thấy thực trạng tham nhũng và lợi ích nhóm trong nhiều lĩnh vực vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp và trắng trợn. Tại hội nghị tổng kết bộ công cụ đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức ngày 16-3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ kết quả công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 còn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, chưa tương xứng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Điểm số của các địa phương có những khoảng cách nhất định, trong đó địa phương đạt điểm cao nhất là tỉnh Lào Cai với 77,67 điểm và địa phương có điểm thấp nhất là Vĩnh Long với 43,53 điểm, độ chênh lệch trung bình toàn quốc là 13,8 điểm. Có 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình trên toàn quốc. Trong khi đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cũng thẳng thắn, phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giải quyết tố cáo tham nhũng rất thấp. Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng chưa cao, không thể hiện quyết tâm khi còn nhiều vụ tham nhũng chưa được phát hiện và xử lý.
Trở lại với sự việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi đề nghị dừng một dự án xâm hại ảnh hưởng xấu tới địa phương và người dân thì lại bị khủng bố, đe dọa đã thêm lần nữa cho thấy cuộc chiến phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cũng như không ít thế lực. Tham nhũng, lợi ích nhóm diễn ra tinh vi với nhiều dạng khác nhau, trong đó nổi lên là lợi ích nhóm thể hiện ở sự móc ngoặc giữa một số quan chức nhà nước với các đại gia, doanh nghiệp để hợp thức hóa việc ăn cắp, tham nhũng của công, làm giàu cho các cá nhân hay một nhóm; sự móc nối giữa các doanh nghiệp với nhau và với các quan chức có quyền, có chức để giành những gói thầu, những khoản ưu đãi từ tiền công quỹ; chạy chức, chạy quyền; sự thông đồng của một nhóm người để mưu cầu có việc làm, có chức, có quyền bằng cách mua bán, đút lót, hối lộ.
Thực tế hiện nay, lợi ích nhóm đã thành căn bệnh trầm trọng trong hoạt động kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Do đó để ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm đòi hỏi cần phải đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều điểm tối, không rõ ràng, thì lợi ích nhóm còn có cơ hội hình thành, tham nhũng trỗi dậy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri đã nhấn mạnh, tham nhũng là vấn đề nhức nhối không chỉ ở nước ta mà nước nào, giai đoạn, thời kỳ nào cũng có, nhiều nước mất chính quyền, chế độ cũng vì tham nhũng. Tham nhũng là ăn cắp của công, của Nhà nước còn lợi ích nhóm là câu kết, móc ngoặc với nhau để làm hại Nhà nước và thực tế, không phải bây giờ mới xảy ra mà từ lâu rồi. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng, lợi ích nhóm dù đây là cuộc chiến đấu cam go nhưng không thể không làm.
NGUYỄN QUỐC