Tiếp tục chương trình nghị sự của phiên họp thứ 31, sáng 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ. Chiều cùng ngày, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã được cơ quan thường trực của Quốc hội thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.
Chế định Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung mới
Trình bày Tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được kết cấu gồm 8 chương, 50 điều. Trong đó, chế định Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung mới được bổ sung. Cụ thể, dự thảo đã bổ sung một số nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Đó là quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thì giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch UBND...
Người đứng đầu Chính phủ cũng được trao thêm thẩm quyền yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đình chỉ, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm pháp luật; quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện… Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc cũng là trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ - theo dự thảo luật này.
Qua thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng.
“Đặc biệt, dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Góp ý về dự án luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Luật cần làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ Hiến pháp, bởi nước ta không có Hội đồng Bảo hiến bay Tòa án Hiến pháp. Bên cạnh đó, thẩm quyền luôn đi liền với trách nhiệm. Quyền thì dự thảo đã nói khá rõ, nhưng trách nhiệm thì chưa”. Mối quan hệ giữa Chính phủ với các chế định khác cũng như việc đảm bảo tính độc lập, khách quan của các cơ quan điều tra, tư pháp… đối với Chính phủ cũng là vấn đề cần quan tâm.
Bày tỏ đồng tình với đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nêu vấn đề: “Có nên quy định trong luật này việc các vị trí đạt tín nhiệm thấp hay không? Có nên có quy chế từ chức không? Tôi nghĩ nên xem xét”.
Chưa xác định rõ mô hình chính quyền địa phương?
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 30-9, luật này điều chỉnh về tổ chức đơn vị hành chính, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); còn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật - cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính nhà nước. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này… còn những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi thì sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Về quy định “hoạt động” của chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên tập trung quy định những vấn đề về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những nguyên tắc hoạt động chính.
Ủng hộ nhiều quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Luật này vẫn phải bao hàm những quy định có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, mô hình chính quyền địa phương là nội dung quan trọng nhất, là cốt lõi của dự luật, từ đó quyết định việc phân công, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương, song Tờ trình của Chính phủ vẫn đưa ra hai phương án mà chưa phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án. Đây cũng là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý: “Luật phải bám sát Hiến pháp cũng như các luật chuyên ngành về thuế, phí và lệ phí”.
Các ý kiến tại phiên họp tán thành trình hai dự luật trên để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.
ANH THƯ