Làm sai phải bồi thường, bồi hoàn

Ngày 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), và dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Ngày 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), và dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Sửa luật nhưng vẫn khó rút ngắn quy trình bồi thường

Nhận xét về dự luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng đây là luật “vô cùng khó”. Bà Nga đặt câu hỏi: “Luật khi ban hành có giải quyết được thực trạng nổi cộm, các trường hợp tương tự trong việc bồi thường với ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)?”. Nêu thực tế các vụ nêu trên, bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp đã có các công văn hoặc trao đổi với cơ quan tư pháp trung ương đề nghị chỉ đạo tránh máy móc trong yêu cầu hồ sơ bồi thường như: yêu cầu chứng minh thiệt hại, chứng từ thăm nuôi… vì những hóa đơn, chứng từ, gia đình họ khốn đốn làm sao chứng minh được. Hay như luật ban hành có giảm được việc người dân búc xúc trong việc Nhà nước bồi thường lớn nhưng còn trách nhiệm người làm sai ra sao?

Phản hồi về những băn khoăn trên, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng, khi luật ra đời có thể không giải quyết được tất cả các thực tế hiện nay vì tổ chức thi hành chưa tốt.

Cũng theo ông Long, trong xác định các trường hợp bồi thường, dự luật đã cố gắng liệt kê theo pháp luật hiện hành để bao quát trường hợp bồi thường, cũng như cố gắng lượng hóa bằng các công thức tính thiệt hại về vật chất, tinh thần. 

Theo ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao, cái khó nhất, gây kéo dài cho việc bồi thường là chưa rõ nội dung bồi thường, tạo sự bất nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường khi thủ tục chưa rõ, cách tính chưa rõ về tinh thần, vật chất… Điều này dẫn đến việc bồi thường kéo dài. Do đó cần phải có quy định chuẩn để các cơ quan giải quyết có căn cứ. Còn theo ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND tối cao, thực tiễn hiện nay, việc bồi thường theo gặp khó do có nhiều quy định xác định thiệt hại chưa được cụ thể, gây khó như trường hợp ông Chấn, ông Nén, làm cho luật sư cung cấp bằng chứng bị thiệt hại khó, lâu. Nếu quy định chi tiết sẽ thuận lợi cho việc bồi thường.

Về điểm này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, đặt câu hỏi: Người bị giam giữ hàng chục năm thì làm sao để họ chứng minh được? Còn bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cũng đồng quan điểm: Quy định căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường là người bị thiệt hại cần chứng minh bằng việc có các hóa đơn, chứng từ… cần cân nhắc. Bởi lẽ khi đã xác định người bị thiệt hại thì nên có có các thủ tục đơn giản hơn để bồi thường.

Nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ

Theo dự thảo, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì mức hoàn trả từ 30 - 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa không quá 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, luật ngoài tác dụng răn đe còn phải làm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ. Bồi hoàn là người có lỗi phải trả lại tiền cho cơ quan tổ chức khi làm sai sau khi Nhà nước phải bồi thường. Để nâng cao trách nhiệm bồi hoàn thì nên theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu hoàn trả đầy đủ bấy nhiêu và nên ghi rõ trong luật để dễ hiểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vướng mắc trong bồi thường hiện nay không phải là do mô hình, tổ chức, bộ máy mà do thủ tục và cần tập trung sửa. Mục đích của việc bồi thường không chỉ là bồi thường cho người bị hại mà còn là nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ. Mặt khác, người làm sai không chịu trách nhiệm trong việc bồi thường, gây thiệt hại sau đó cơ quan khác chịu trách nhiệm bồi thường là không đúng và không thể hiện trách nhiệm của công chức gây thiệt hại.

Phạm vi điều chỉnh của dự luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tập trung ở 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc dự luật chỉ điều chỉnh 3 lĩnh vực “e là chưa phù hợp với Hiến pháp”. Cụ thể, Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định, người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”; Điều 31 cũng quy định người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự… Chính vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu chỉ điều chỉnh ở 3 lĩnh vực liệu có vi hiến hay không và cần cân nhắc xác định phạm vi điều chỉnh phù hợp.

Ông Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cũng cho rằng, ban soạn thảo nên xem xét lại Điều 19 về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính khi chưa bao quát hết. Ông Bộ đặt vấn đề: “Thiệt hại do cơ quan hành chính gây ra có coi là gây thiệt hại? Câu trả lời là có. Thế nhưng dự thảo lại chưa có quy định. Nếu có thì phải phân định trách nhiệm của cán bộ công chức vì thủ tục quy định như vậy nhưng tại sao anh lại “ngâm” hồ sơ? Điều 19 cần phải được điều chỉnh và nếu điều chỉnh thì người dân có thể kiện cán bộ công chức làm sai, từ đó tác động đến họ trong việc phải nghiêm túc hơn trong thực hiện thủ tục hành chính”, ông Bộ nói.

Tán đồng quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, dự luật cần bám sát Hiến pháp. Nếu chỉ điều chỉnh 3 lĩnh vực trên là bó hẹp vì đã giải quyết bồi thường thì có liên quan nhiều lĩnh vực khác. Do vậy, ban soạn thảo cần quan tâm thêm và nếu chưa mở rộng được đối tượng thì phải lập luận để tăng sức thuyết phục trong báo cáo của Chính phủ.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục