

Đục thể thủy tinh ở trẻ em và người lớn là một bệnh lý gây giảm thị lực, mờ mắt ở trẻ em. Thể thủy tinh (TTT) nằm phía sau mống mắt và có nhiệm vụ tập trung ánh sáng lên võng mạc, màng cảm giác trong đáy mắt. Khi TTT bị đục sẽ ngăn cản ánh sáng vào trong mắt, làm mắt bị mờ đi. Mức độ mờ mắt tùy thuộc TTT bị đục nhiều hoặc ít. Nếu bị đục TTT mà không được phát hiện sớm để mổ, trẻ sẽ bị nhược thị sâu, không hồi phục được.
- Làm sao biết được trẻ có đục thể thủy tinh?
Do mắt bệnh không có triệu chứng đau nhức, không đỏ, không ra ghèn nên nếu bố mẹ không để ý sẽ không nhận ra được. Bệnh có thể xảy ra ở trẻ nhỏ từ lúc mới sinh, hoặc lúc trẻ đang lớn, hoặc có thể sau một chấn thương va chạm vào mắt.
Thường ở trẻ mới sinh đến 3 tháng, nếu để ý quan sát, mẹ có thể nhận biết bệnh qua một con ngươi đục trắng ở giữa tròng đen. Hoặc với trẻ từ 3 - 4 tháng tuổi mà đưa đồ chơi có màu sắc qua lại trước mặt thấy bé không nhìn theo; hai mắt bé nhìn lơ láo, hoặc hay nhìn lên, nhìn về một bên… là những dấu hiệu cảnh báo phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ (BS) chuyên khoa ngay. Một cách nhận biết khác là khi ẵm trẻ ra ngoài trời, bé hay nheo mắt hoặc không chịu mở mắt, cũng là những dấu hiệu cần để ý về đôi mắt của trẻ.
Ở trẻ lớn hơn ở khoảng 1 tuổi khi trẻ đã thích nhìn xem phim hoạt hình, nhìn theo những đồ vật, đồ chơi. Nếu trẻ như không nhìn vào ti vi lúc có hoạt hình, hay trẻ phải nheo mắt khi nhìn; trẻ hay vấp ngã khi đã biết đi vững; hay trẻ có 1 mắt lé (lác)… nên để ý đưa trẻ đi khám mắt để xác định được sớm tình trạng mắt trẻ và điều trị kịp thời.
Đối với đục TTT ở trẻ lớn (trên 3 tuổi) do chấn thương hay 1 nguyên nhân nào khác, phát hiện bệnh không khó nếu hai mắt đều có bệnh. Biểu hiện thường là trẻ đi học nhìn chữ trên bảng đọc sai, hoặc hay nheo mắt để nhìn bảng hoặc xem ti vi.
Ở trẻ bị đục TTT một mắt thường khó phát hiện hơn, nếu không thấy dấu hiệu đồng tử trắng đục một bên thì dấu hiệu lé hoặc ánh đồng tử trắng ở một mắt là dấu hiệu phụ huynh cần để ý để đưa trẻ đi khám ngay.
- Trẻ đục thể thủy tinh được điều trị như thế nào?
Nếu đục TTT toàn bộ, trẻ cần được mổ ngay để chức năng thị giác được phục hồi và phát triển thêm. Nếu TTT chưa đục toàn bộ, BS chuyên khoa phải khám cụ thể để có chỉ định cụ thể cho từng trường hợp đục TTT: đục toàn bộ hay đục nhân, đục phiến… Thời điểm mổ sẽ tùy hình thái đục TTT, nhằm tạo điều kiện cho mắt trẻ được phát triển tối ưu. Có trường hợp phải mổ ngay để trẻ không bị nhược thị .
Có trường hợp chưa đục nhiều và chưa ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, BS sẽ theo dõi định kỳ mỗi 3 tháng cho trẻ để kịp thời can thiệp mổ cho trẻ lúc phù hợp nhất. Với kính hiển vi phẫu thuật, BS chuyên khoa sẽ hút phần thể thủy tinh bị đục ra và thay vào đó 1 kính nhân tạo để hình ảnh được tập trung lên võng mạc. Ở một số trường hợp trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), chưa đặt được kính nội nhãn, trẻ sẽ được đeo kính sau mổ để có được thị lực tốt nhất.
Với trẻ đục TTT một mắt, thường thị lực mắt bệnh luôn kém hơn mắt lành nên phẫu thuật mới chỉ là điều trị bước đầu. Sau mổ, trẻ còn phải được điều chỉnh khúc xạ đúng và điều trị nhược thị. BS sẽ cho trẻ che kín mắt lành (mắt tốt) để bắt buộc mắt yếu (mắt mổ) hoạt động nhiều hơn cho đến khi thị lực mắt này tăng lên. Bình thường, trẻ phải được theo dõi điều trị nhược thị nhiều năm .
BS PHẠM THỊ CHI LAN