
Cách đây 19 năm, achatina fulica - con ốc đất gốc châu Phi - đã được đưa vào Brazil. Nông dân nuôi chúng lấy thịt để xuất khẩu, thay thế cho ốc sên. Nay chúng đã lan tràn ra khắp nước, trở thành tai họa đối với quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latin này.
Lan khắp hành tinh
Ốc châu Phi chỉ là một trong số hàng trăm nghìn sinh vật ngoại lai đã thoát khỏi môi trường sinh sống tự nhiên của chúng và đi khắp thế giới. Nhiều người đặt cho các sinh vật ngoại lai này cái tên mỹ miều: “giống loài phương xa”.

Nhưng giới chuyên môn thì gọi chúng bằng cái tên trần trụi, thô tháp: “sinh vật lạ xâm lấn” (tạm dịch từ “bioinvader”). Đặc điểm chung của chúng: lan đi khắp hành tinh một cách lặng lẽ nhưng đầy quyết tâm.
Nhiều sinh vật lạ xâm lấn còn được phát tán một cách có ý thức do nông dân và các nhà trí thức tưởng mình giỏi hơn thiên nhiên, có thể ra tay trừ họa (nhập rắn để bắt chuột, chẳng hạn) hoặc nhà vườn thích của lạ (đưa cây có hại về trồng) hoặc doanh nhân chỉ sáng suốt có một nửa (tìm loại ốc hoàn hảo để làm thực phẩm).
Các sinh vật lạ xâm lấn rất hung tợn ở những miền đất mới. Sau khi thoát khỏi môi trường sống quen thuộc, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh lại không bị thiên địch khống chế, chúng đã độc quyền chiếm lấy thức ăn và sinh sôi, nảy nở nhanh.
Pimentel nói rằng, hiện nay, số lượng các sinh vật lạ xâm lấn có thể thống kê được đã lên đến 500.000 - gấp đôi con số cách đây 60 năm. Theo Charles Perrings, một nhà kinh tế học môi trường giảng viên đại học công lập Arizona, “đây là cái giá phải trả cho toàn cầu hóa”.
Mối nguy hại khổng lồ
Các sinh vật lạ xâm lấn đặc biệt nguy hiểm. Chúng có thể làm tiêu tan cả một vụ mùa, hủy hoại các nguồn nước và những cánh rừng. Một số ít vi khuẩn chết người còn làm nảy sinh các nạn dịch, chẳng hạn như dịch bò điên và AIDS.
Ngay cả khi không tạo ra nguy cơ trực tiếp, các loại cây cỏ, động vật hoặc tác nhân gây bệnh (pathogen) đến từ phương xa cũng sẽ làm cho thiên nhiên nghèo đi. Bởi chúng sinh sôi vượt số lượng giống loài bản địa hoặc tạo ra giống lai tạp khi giao phối với giống loài bản địa.
Chúng cũng có thể mai phục hàng vài chục năm trời cho đến khi một “cơ hội sinh học” như bão tố hoặc nắng nóng xuất hiện. Trường hợp của hottentot fig chẳng hạn.
Đây là một loại dây leo, đẹp nhờ ra nhiều hoa màu vàng tím. Nó được từ Nam Phi qua Anh cách đây hơn một thế kỷ và chỉ phát triển một cách vừa phải vì không thích nghi với cái lạnh xứ sương mù. Mãi cho đến gần đây.
Mùa đông nước Anh đã bớt lạnh do ảnh hưởng của việc trái đất ấm dần lên. Và thế là hottentot fig phát triển. “Chúng như thú dữ sút chuồng,” Mark Spencer, chuyên gia về sinh vật lạ xâm lấn của bảo tàng lịch sử tự nhiên tại London, cho biết, “nuốt chửng các loài cây cỏ địa phương trên đường chúng đi”.
Nhiều nhà khoa học - số này mỗi lúc một đông - tin rằng sinh vật lạ xâm lấn là mối đe dọa trực tiếp và ngày càng tăng nhanh đối với đời sống cây cỏ, động vật trên hành tinh, chỉ đứng sau sa mạc hóa và tăng trưởng kinh tế ồ ạt, bừa bãi (không hướng tới sự bền vững).
Chỉ riêng tại Mỹ, khoảng 50.000 loài sinh vật lạ xâm lấn đã gây thiệt hại 120 tỷ USD mỗi năm cho trồng trọt, nghề rừng và nghề cá, theo ước tính của Pimentel thuộc Đại học Cornell. Nếu cộng cả thiệt hại của Ấn Độ, Anh, Australia, Nam Phi và Brazil, con số sẽ lên đến gần gấp đôi: 228 tỷ USD/năm.
Vẫn theo Pimentel, nếu tính trên cấp độ toàn cầu, nạn xâm lăng sinh học khiến cho kinh tế và môi trường thiệt hại một cách khủng khiếp, quy thành tiền có thể lên đến 1.400 tỷ USD/năm. Các nhà chuyên môn cho rằng mất mát sẽ chỉ càng ngày càng trầm trọng hơn. Và chính người dân các nước nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất. Bởi ở những nơi đó chỉ cần một vụ mùa thất bát là nạn đói hoành hành.
Có lẽ cách thức hiệu quả nhất để hạn chế tác hại của sinh vật lạ xâm lấn là bịt bớt các cửa biên giới đang dần được mở toang. Nhưng đó là chuyện không tưởng. Và như thế loài người cần phải học cách sống chung với kẻ thù!
Charles Perrings, giảng viên Đại học công lập Arizona, cho rằng, “vấn đề không phải là chặn đứng các cuộc xâm lăng của sinh vật lạ mà hiểu biết về chúng”.
Thụy Anh (theo Newsweek số ngày 15-1-2007)