Làn sóng bạo lực từ hooligan

Một bản thông cáo của LĐBĐ Anh (FA) vừa được đưa với lời lẽ hết sức cay đắng: “Chúng tôi vô cùng hối tiếc và thất vọng về những hình ảnh bạo lực có liên quan đến CĐV Anh. Giờ đây, việc xử lý như thế nào hoàn toàn nằm trong tay các giới chức có trách nhiệm. FA khẩn thiết kêu gọi CĐV Anh hãy thể hiện sự tôn trọng đối với Euro 2016”.

Cuộc bạo loạn giữa CĐV Nga - Anh trên khán đài sân Velodrome sau khi kết thúc trận đấu

Bạo lực bùng nổ dữ dội tại Euro 2016 ngay trong 2 ngày đầu tiên của giải, phá vỡ mọi dự báo và khả năng phản ứng của lực lượng an ninh. Sau khi các CĐV Anh gây bạo loạn với dân địa phương vào ngày 10-6, ngay trước trận Anh - Nga, xung đột đẫm máu lại tiếp diễn trên đường phố Marseille giữa CĐV hai đội tuyển với sự tham gia của một số tổ chức côn đồ đến từ Nga. Sự việc xảy ra 2 giờ trước trận đấu ấy, đã khơi mào cho cuộc bạo loạn ngay trên khán đài sân Velodrome sau khi kết thúc trận đấu. Chia sẻ trên Twitter, phóng viên Nick Eardley của  BBC cho biết: “Chưa bao giờ tôi phải chứng kiến những hình ảnh này trong một sân vận động. Những CĐV Anh đang hoảng loạn trước sự tấn công của các CĐV Nga. Phụ nữ và trẻ em cũng bị giẫm đạp lên một cách không thương tiếc. Nhiều CĐV Anh và cả người Pháp đã phải trèo qua hàng rào để trốn tránh các CĐV Nga”.

Theo nguồn tin của tờ Daily Mai, ít nhất 31 CĐV Anh đã bị thương trong cuộc ẩu đả này. Nhưng thật kỳ lạ là lực lượng an ninh của Pháp dường như “biến mất” trong khoảng thời gian vài phút xảy ra bạo loạn trên khán đài.

Ở buổi họp báo sau trận đấu, HLV Roy Hodgson đã miêu tả trận hòa 1-1 trước Nga là “một thất bại cay đắng” của đội tuyển Anh khi ông không giấu được cảm xúc vì chứng kiến màn đánh nhau trên khán đài.

Trong khi đó, tại TP Nice hiền hòa và xinh đẹp, trận đấu Ba Lan và Bắc Ireland chưa diễn ra thì đường phố đã bùng nổ “cuộc chiến” khác. Hàng trăm CĐV hai đội đã sử dụng chai lọ, mảnh kính, bàn ghế làm “vũ khí” để choảng nhau, một số người đã bị thương. Rất may, ngay sau đó cảnh sát đã có mặt kịp thời để dẹp bạo loạn và bắt giữ một số phần tử quá khích.

Đã có 90.000 cảnh sát được huy động trên toàn nước Pháp để bảo vệ an ninh, nhưng con số này chẳng thấm vào đâu so với CĐV từ 23 quốc gia khác kéo đến. Một đại diện của an ninh Pháp thừa nhận, hiện chưa có phương án nào bổ sung nhằm ngăn chặn làn sóng bạo lực đến từ các hooligan.

Euro 1996, Euro 2000 đều đã chứng kiến những màn ẩu đả kinh khủng. Các nhà quản lý bóng đá châu Âu đã làm rất nhiều việc hòng ngăn chặn, nhưng không đạt kết quả.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục