Lan tỏa những sáng kiến hay

Hôm nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phối hợp với Báo SGGP tổ chức trao giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 15, tôn vinh những cá nhân có nhiều sáng kiến hay, thiết thực trong lao động sản xuất.
Lan tỏa những sáng kiến hay

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015

Hôm nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phối hợp với Báo SGGP tổ chức trao giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 15, tôn vinh những cá nhân có nhiều sáng kiến hay, thiết thực trong lao động sản xuất.

Cùng với thời gian, giải thưởng uy tín này thật sự trở thành động lực cho sự sáng tạo. Nhìn lại chặng đường 15 năm, đồng chí Nguyễn Thị Thu (ảnh), Chủ tịch LĐLĐ TP, đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về tính hiệu quả của giải thưởng này cùng với những trăn trở...

* Phóng viên: Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã đi qua chặng đường 15 năm. Theo đồng chí, giá trị lớn nhất của giải thưởng này là gì?

* Đồng chí NGUYỄN THỊ THU: Mục đích lớn nhất của giải thưởng Tôn Đức Thắng không chỉ là ghi nhận, tôn vinh người có sáng kiến, mà quan trọng nhất là sáng kiến đó đã mang lại lợi ích cho đơn vị và xã hội. Từ các sáng kiến sẽ làm ra những sản phẩm chất lượng hơn, giá thành tốt hơn, có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập, giúp doanh thu của doanh nghiệp cao hơn, từ đó đời sống công nhân lao động cũng được tăng lên. Ngoài ra, giải thưởng không chỉ dừng lại ở người có sáng kiến mà đã nhân rộng đến những công nhân khác bằng hình thức đào tạo, bồi dưỡng để giúp họ lành nghề hơn, qua đó giúp công nhân có điều kiện được tăng lương, nâng bậc thợ và tạo tiền đề để họ có thêm những sáng kiến khác.

Thời gian gần đây những sáng kiến tham gia giải thưởng ngày càng đi vào thực tế công việc và có tầm vóc hơn. Bên cạnh đó, nhờ công tác đào tạo đã giúp nâng cao trình độ tay nghề của công nhân lao động tại đơn vị; giúp giai cấp công nhân không chỉ lớn mạnh về số lượng mà cả chất lượng cũng được nâng tầm. Chính sức lan tỏa của các sáng kiến là kết quả thiết thực mà giải thưởng Tôn Đức Thắng đã làm được qua 15 năm thực hiện.

* Bên cạnh hiệu quả quan trọng như đồng chí vừa đánh giá, một số ý kiến cho rằng giải thưởng Tôn Đức Thắng ngày càng xa rời đối tượng công nhân lao động trực tiếp. Đồng chí nghĩ gì về nhận định này?

* Thực tế cho thấy các cá nhân được xét chọn trao giải thưởng trong các năm chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất. Đây là những người công nhân ưu tú đã phấn đấu không ngừng để trở thành những người thợ đầu đàn, sau đó đã hỗ trợ, động viên tập thể công nhân cùng trưởng thành. Họ chính là lực lượng nòng cốt trong sự phát triển đi lên của các đơn vị. Trong tiêu chí xét chọn trao giải thưởng, chúng tôi luôn quan tâm đến những hồ sơ của công nhân trực tiếp sản xuất. Có thể những cá nhân được trao giải đang làm vị trí tổ trưởng, xưởng trưởng, nhưng đa phần đều xuất thân từ công nhân.

* Theo quy định, mỗi cá nhân chỉ được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng một lần. Trong khi, có những cá nhân sau khi đoạt giải, họ tiếp tục có những sáng tạo với hiệu quả lớn hơn nhưng lại không được khen thưởng. Đồng chí có nghĩ, ở góc độ nào đó thì đây là hạn chế của giải thưởng?

* Giải thưởng Tôn Đức Thắng chỉ trao một lần cho cá nhân trong suốt quá trình làm việc của mình, điều này nằm trong quy chế của giải thưởng đã được UBND TP đưa ra từ ngày đầu thành lập, nhằm giúp khen thưởng được nhiều cá nhân chứ không co cụm lại ở một nhóm người. Trong thực tế, có những trường hợp sau khi nhận giải thưởng vẫn tiếp tục có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì không thể tiếp tục tham gia giải thưởng Tôn Đức Thắng nên đã có nhiều kiến nghị xoay quanh vấn đề này.

Luật Thi đua khen thưởng vừa được ban hành có quy định tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân, tập thể trong lao động sáng tạo, có phát minh, sáng chế, sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, LĐLĐ TP sẽ quan tâm phát hiện những cá nhân đã đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng, nếu có thêm sáng kiến mang lại hiệu quả tại đơn vị và xã hội thì sẽ giới thiệu với thành phố, với Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất khen thưởng.

* Đã có 147 cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng trong 14 năm qua. Theo đồng chí thì những cá nhân này có được lãnh đạo của họ quan tâm phát triển, đặc biệt là trong công tác quy hoạch cán bộ?

* Thời gian qua, LĐLĐ TP đã triển khai đến các công đoàn cơ sở chú ý quan tâm những cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng để giúp đỡ, hỗ trợ. Thực tế, nhiều người sau khi được tôn vinh đã từng bước phát triển, được bổ nhiệm vị trí cán bộ chủ chốt tại đơn vị. Có người trước đó chỉ là công nhân trực tiếp sản xuất nay đã ở cương vị chủ tịch HĐQT, phó tổng giám đốc, giám đốc, trưởng xưởng, quản đốc… Chính từ giải thưởng Tôn Đức Thắng, họ đã được đơn vị phát hiện, bồi dưỡng và từng bước thăng tiến.

* Thời gian tới, Ban tổ chức sẽ có những cải tiến gì để giải thưởng tiếp tục được nâng chất, thưa đồng chí?

* Việc xét chọn hồ sơ, chấm điểm xếp hạng các cá nhân tham gia giải thưởng rất chặt chẽ, theo đúng quy chế của giải thưởng đã được UBND TP ban hành. Qua 15 lần tổ chức, những hạn chế chúng tôi nhận thấy đó là các cá nhân tham gia giải thưởng đa phần là cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động trực tiếp sản xuất, nên việc trình bày báo cáo thành tích còn hạn chế, chưa nêu bật được hiệu quả sáng kiến, ban tổ chức phải mất nhiều thời gian để thẩm định. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn chưa quan tâm trong việc hỗ trợ công nhận sáng kiến và giá trị làm lợi của người lao động để gửi hồ sơ tham gia giải thưởng.

Để những cá nhân này tiếp tục tỏa sáng, LĐLĐ TP đã thành lập “Câu lạc bộ Công nhân lao động sáng tạo”. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là nơi quy tụ được những người đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng để họ trao đổi kinh nghiệm về các đề tài khoa học, các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, giúp phát triển sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Chúng tôi hy vọng rằng với việc hình thành câu lạc bộ, trong những năm tới giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ có bước chuyển biến mới, đáp ứng được nguyện vọng của cá nhân đoạt giải thưởng. Đồng thời giới thiệu được cho Thành ủy những công nhân điển hình tiên tiến gửi đi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn để tạo nguồn cán bộ cho thành phố.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Anh Trương Quốc Hùng theo dõi hệ thống xử lý và cung cấp nước RO.

Anh Nguyễn Văn Quán chăm sóc rau muống, được sản xuất theo công nghệ thủy canh hoàn lưu.

Anh Ngô Mạnh Trung (bên trái) cùng đồng nghiệp thảo luận về các dự án.

Chị Huỳnh Thị Danh (đứng) và các đồng nghiệp.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục