Lan tỏa tác phẩm hay

Thời gian qua, trong cả nước đã tổ chức khá nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác âm nhạc được đông đảo người viết nhạc chuyên nghiệp và nghiệp dư hưởng ứng sôi nổi. Năm nào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TPHCM cũng đều phát động cuộc thi âm nhạc, trong đó chủ yếu là sáng tác. Định kỳ một số năm, các tỉnh thành bạn đã tổ chức cuộc thi văn học nghệ thuật, trong đó có sáng tác âm nhạc. Bình Dương có giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ, Long An có giải thưởng Nguyễn Thông. Bắt đầu năm 2012, TPHCM có giải thưởng Văn học nghệ thuật lần thứ 1.

Bên cạnh đề tài rộng rãi nhằm tôn vinh các tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật phản ảnh tinh thần đấu tranh cách mạng, xây dựng trong sự nghiệp đổi mới, còn có những cuộc thi sáng tác theo đề tài cụ thể như về chất độc da cam, an toàn giao thông…, về công cuộc xây dựng ở từng địa phương như tỉnh Bình Dương, TP Đà Nẵng… Ngay cả một số quận, huyện cũng tổ chức cuộc thi sáng tác âm nhạc như ở quận Tân Bình (TPHCM), huyện Thoại Sơn (An Giang)…

Qua những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác âm nhạc, đã xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn nhạc phẩm nêu cao tình yêu quê hương đất nước, động viên tinh thần quần chúng trong công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng nền văn hóa văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những sáng tác được trao giải thưởng, bên cạnh những sáng tác thật sự có giá trị, cũng còn một số được giải nhưng chưa đạt yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, hoặc có một số sáng tác tốt nhưng bị “lọt lưới” không được giải. Vì sao như vậy? Trước hết do yêu cầu cuộc thi, cũng như tiêu chí chấm giải chưa cụ thể, minh bạch, do một số thành viên ban giám khảo chưa vô tư, khách quan hoặc do trình độ chuyên môn chưa đạt bậc “thầy” để có khả năng chấm bài “học trò”. Đã có cuộc thi, phần lớn sáng tác được giải cao đã bị “chết yểu” sau một thời gian không lâu, thế nhưng có bài được giải thấp hoặc bị loại lại sống lâu dài trong lòng quần chúng.

Đối với những sáng tác âm nhạc thật sự có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao được giải qua các cuộc thi, cuộc vận động, điều trăn trở, bức xúc của các tác giả là làm sao tác phẩm của mình đến được với quần chúng, chứ không phải dừng lại ở việc ban tổ chức công bố kết quả, công diễn tác phẩm được giải, tác giả nhận tiền thưởng.

GS-NS Ca Lê Thuần, tác giả âm nhạc vở nhạc kịch Người giữ cồn đoạt giải nhất giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM lần 1 (năm 2012) cũng không giấu được nỗi lo làm sao có thể quảng bá rộng rãi tác phẩm được giải của mình đến với công chúng. Đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết các tác giả có tác phẩm được giải thưởng qua các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác âm nhạc. Các tác giả âm nhạc đều ý thức rằng một khi “đứa con tinh thần” của mình ra đời, ai cũng mong muốn nó phục vụ quần chúng rộng rãi hiệu quả, chứ không phải ngủ yên trong ngăn tủ. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người sáng tác âm nhạc là tác phẩm của mình đến được với người nghe và sống lâu dài trong lòng quần chúng, điều đó còn có giá trị gấp bội so với giải thưởng được ban tổ chức trao cho.

Việc nuôi dưỡng, sử dụng “đứa con tinh thần” của người sáng tác âm nhạc là phần việc kế tiếp của xã hội, của các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm liên quan. Nếu như phần việc này không được thực hiện sẽ là một sự lãng phí to lớn về chất xám của giới sáng tác âm nhạc, công sức của ban tổ chức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Khi lên kế hoạch đầu tư cho sáng tác không thể thiếu phần đầu tư cho quảng bá những tác phẩm hay đến với quảng đại công chúng. Đó cũng là quyền lợi chính đáng của công chúng: được thưởng thức những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật thông qua tuyển chọn trong những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

Tin cùng chuyên mục