Ở làng Yun, xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai), từ đứa trẻ con đến người già, đàn ông, phụ nữ… gần như ai cũng biết đi cà kheo, thậm chí còn chạy bằng cà kheo một cách thuần thục như chính đôi chân của mình. Cà kheo được dùng để đá bóng, đi chợ, đi ra đồng và đi thi đấu trong và ngoài tỉnh.
“Đi cà kheo dễ òm!”
Được anh Nguyễn Tiến Nhật - chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) dẫn đường, chúng tôi tìm đến làng Yun, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ba Na khi mặt trời vừa đứng bóng. Dọc hai bên đường vào làng, bạt ngàn những rẫy mía đến kỳ thu hoạch, lẩn khuất đâu đó là những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Ba Na nép mình dưới những tán cổ thụ xanh ngắt. Đang mùa thu hoạch mía nên trong làng vắng bóng người lớn, chỉ có trẻ em luẩn quẩn chơi đùa với món đồ quen thuộc là cặp cà kheo. Ngoài những đứa trẻ học lớp 6, lớp 7 đang thi chạy trên những đôi cà kheo, có những em mới 5-6 tuổi đen nhẻm, tóc cháy nắng cũng chập chững đi lại với đôi cà kheo nhỏ xíu.
Trước ngôi nhà sàn cũ kỹ, chị Đinh Thị Pleo đang chuẩn bị thức ăn trưa cho gia đình, bên cạnh là đứa con nhỏ đang mè nheo đòi sữa. Lẽ ra giờ này Pleo phải ra đồng như mọi người, nhưng vì con nhỏ không ai trông nên một mình chồng cô gánh trách nhiệm thu hoạch 7 sào mía, còn cô ở nhà chăm con và lo cơm nước. Hỏi có biết đi cà kheo không, Pleo cười bẽn lẽn: “Biết chứ, đi cà kheo dễ òm, làng mình ai chẳng biết”. Nói chưa hết câu, Pleo với tay lấy đôi cà kheo dựng trong góc nhà và đi một cách thục ra gốc cây khế trong vườn hái vài quả non cho nồi canh đang nấu trên bếp. Pleo giải thích: “Có cà kheo, những vật ở trên cao đều dễ dàng lấy được, như tảng thịt treo trên gác bếp, trái khế ở trên cây… Cà kheo giống như đôi chân thứ hai của bà con mình vậy đó”.
Tạm chia tay Pleo, chúng tôi tìm đến nhà già làng Đinh Srươn. Đã đến giờ trưa nên bà con bắt đầu lục tục kéo về. Nằm ở giữa làng, ngôi nhà của già làng Đinh Srươn trông khá sạch sẽ và mát mẻ. Trên khoảnh sân đất rộng, già Đinh Srươn và hơn chục người đàn ông già có, trẻ có đang cặm cụi làm việc, người vung dao chẻ tre, người tỉ mẩn vót lạt, người thoăn thoắt hoàn thiện những cặp cà kheo mới chuẩn bị đón tết. Theo già làng Đinh Srơnh kể thì ngày xưa, cũng chẳng rõ từ khi nào, dân làng Yun đã gắn với đôi cà kheo. Bởi lẽ, ngày đó đường sá chỉ toàn đất đá. Cứ đến mùa mưa, đường làng lầy lội bùn đất. Để giữ cho đôi chân sạch sẽ, khi vào nhà sàn không bị vấy bẩn, người làng Yun đã nghĩ ra cây cà kheo. Không những vậy, “đôi chân thứ hai” này còn giúp bà con không bị ướt quần áo khi lội sông, lội suối hay sửa chữa mái nhà ở trên cao, với tay lấy vật dụng trên bếp… được thuận lợi. Ban đầu chỉ một vài người đi, sau thấy hay, cả làng đều làm cà kheo để đi lại vào mùa mưa. Bây giờ, những con đường lầy lội bùn đất đã dần được thay thế bởi lớp bê tông sạch sẽ, qua sông qua suối đã có những cây cầu, nhưng người làng Yun vẫn sử dụng đôi cà kheo như một thói quen và một trò chơi vừa để thể hiện sự khéo léo, vừa giữ lại một nét đẹp trong văn hóa của làng mình.
Dõi mắt nhìn theo những đứa trẻ đang đi lại ngoài đường làng, già Srươn không giấu được niềm tự hào trên gương mặt: “Cả làng Yun của mình ai ai cũng biết đi cà kheo. Ngay từ độ tuổi lên 4 lên 5, bọn trẻ đã biết theo người lớn tập đi cà kheo. Như để chứng minh cho lời nói của mình, già làng Đinh Srươn lấy đôi cà kheo ra biểu diễn. Ông bảo: “Mình già rồi, đôi mắt không còn sáng, đôi chân không còn nhanh nên thể chạy ào ào như lũ thanh niên, nhưng đi lại vẫn ngon lành”. Quả vậy, nhìn những bước đi thuần thục của ông già đã bước qua độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Thấy vậy, những đứa trẻ cũng chạy vào góp vui, cả khoảnh sân rộng nhốn nháo người đi cà kheo và tiếng cười sảng khoái.
Niềm tự hào làng Yun
Từ bao đời nay, người dân làng Yun chỉ xem cà kheo như một phương tiện hiệu quả để đi lại trong làng những ngày mưa gió, chưa bao giờ họ nghĩ rằng, có ngày, trên đôi cà kheo, con cháu họ có thể đi tới những vùng miền xa xôi của đất nước. Ấy vậy mà nhiều năm qua, những chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” ở làng Yun đã làm nên những điều kỳ diệu, khi mang đôi cà kheo vượt hàng trăm cây số đến với các cuộc thi, các lễ hội ở trong tỉnh và ngoài tỉnh bạn như: Quảng Nam, Phú Yên, Bình Phước…, để giới thiệu nét văn hóa độc đáo của quê hương mình và nhận những tấm huy chương…
Ở làng Yun, bất cứ chàng trai cô gái nào cũng là một vận động viên, một nghệ sĩ. Mỗi khi có lễ hội, chỉ cần già làng hay huyện, xã “ới” một tiếng, lập tức họ gác lại công việc để lên đường. Trong số những “ngôi sao” cà kheo ở làng Yun, Đinh Văn Lek là chàng trai đi cà kheo giỏi và gặt hái được nhiều thành tích nhất, với hơn 20 chiếc huy chương cả vàng lẫn bạc ở môn thể thao “chạy cà kheo cự ly 100 – 200m”. Khác với mường tượng của chúng tôi, Lek trông khá trẻ và nhỏ người so với độ tuổi 30 của mình. Gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt sau buổi lao động mệt nhọc, Đinh Văn Lek khiêm tốn kể về những ngày đầu làm quen với cây cà kheo và con đường đến với những tấm huy chương.
Như những đứa trẻ khác ở làng Yun, mới 5 tuổi Lek đã rất thích cà kheo và thường theo anh chị trong làng ra sân tập. Ban đầu, Lek cũng ngã lên, ngã xuống, cũng xây xát mặt mày, chân tay lấm lem, nhưng không nản. Lên 10 tuổi, Lek đã sử dụng thuần thục và có thể chạy trên đôi cà kheo, nhanh đến nỗi những đứa bạn cùng lứa tuổi chạy bộ cũng không đuổi kịp. Thấy Lek đi cà kheo giỏi, các anh chị trong làng giới thiệu Lek với cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Pơ. Vậy là Lek được chọn lên tỉnh thi khi vừa tròn 15 tuổi. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, ngay lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người”, Lek đã gặt hái thành công. Từ đây Lek liên tục đại diện cho tỉnh Gia Lai đi dự các hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc. Trong vòng 15 năm, Lek đã giành được 20 tấm huy chương gồm: 18 huy chương vàng và 2 huy chương bạc ở các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia.
Ngoài Đinh Văn Lek, làng Yun còn có nhiều chân chạy cà kheo cừ khôi “nhẵn mặt” ở các cuộc thi, lễ hội như chị Đinh Thị Lên (SN 1983), chị Đinh Thị Prơi (SN 1985, huy chương đồng tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch miền Trung tại Phú Yên năm 2011)… đã góp phần mang bản sắc của làng Yun giới thiệu với bạn bè khắp nơi. Năm nay đã ngoài 30 tuổi, hình thức ưa nhìn, nhưng cô gái Ba Na Đinh Thị Lên vẫn không thèm “bắt chồng”. Lên cho biết, cô biết đi cà kheo từ năm 12 tuổi, hơn 10 năm qua, hầu như cuộc thi nào trong và ngoài tỉnh Lên cũng được chọn tham dự. “Nhờ cà kheo, mình đã được đi Quảng Nam, Phú Yên, Bình Phước…, được gặp gỡ và làm quen nhiều bạn bè. Qua đó, mình cũng học hỏi nhiều điều tốt đẹp để hướng dẫn lại cho gia đình mình và bà con mình, kể cả việc không nên “bắt chồng” khi còn quá trẻ, cuộc sống chưa ổn định”.
Đất trời chuẩn bị vào xuân, trên những cánh đồng, những nụ hoa bắt đầu nở rộ. Thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những đứa trẻ làng Yun “lênh khênh” trên những đôi cà kheo, với những nụ cười tỏa nắng.
Ông Đinh Pronh - Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) tự hào: “Ngoài bảo tồn văn hóa cồng chiêng, cà kheo là nét văn hóa đặc sắc được người dân làng Yun lưu giữ và phát huy. Những tấm huy chương mà Đinh Văn Lek, Đinh Thị Lên, Đinh Thị Prơi… mang về không chỉ giúp xã Yang Bắc tự hào, người dân làng Yun phấn chấn, mà còn khiến đám trẻ con trong làng thêm say mê với môn cà kheo. Mong rằng, ngoài làng Yun, sẽ có nhiều làng khác nữa khẳng định và phát huy được những tinh hoa của dân tộc mình”. |
ĐỨC TRUNG