Ít ai ngờ giữa Sài Gòn năng động vẫn tồn tại một làng nghề truyền thống đúc lư đồng từ trên 100 năm qua. Cứ mỗi độ xuân về tết đến, thương lái từ các tỉnh ĐBSCL lại lên đây đóng hàng. Từ làng đúc lư đồng An Hội, Gò Vấp, hàng ngàn bộ lư đồng đã theo chân thương buôn ngược ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc, xuôi về các tỉnh miền Tây Nam bộ và có lúc còn sang tận các nước Lào, Campuchia. Tuy nhiên, trước những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến làng nghề lư đồng nổi tiếng một thời nay đang dần mai một, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ.
Trăm năm danh tiếng làng nghề
Khác với làng nghề truyền thống ở các tỉnh phía Bắc, nghề đúc đồng xuất hiện ở Sài Gòn khoảng hơn 200 năm nay. Theo các nghệ nhân cao tuổi ở làng lư đồng An Hội (người dân thường gọi là xóm Lò Lư), nghề đúc lư đồng ở đây có từ cuối thế kỷ 19. Người có công khai sáng nghề đúc lư đồng ở An Hội là ông Trần Văn Kỉnh.
Thuở xưa, Gò Vấp có nghề trồng hoa kiểng nổi tiếng nhưng dòng họ Trần thì lại không có người theo nghề này. Vậy là để tìm kế sinh nhai, ông Năm Kỉnh khăn gói ra mấy lò đúc đồng ở Chợ Quán để học nghề.
Ban đầu, ông Năm Kỉnh chỉ nhận người và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ. Nhưng sau đó, một trong những học trò xuất sắc của ông là Trần Văn Thắng (Hai Thắng) muốn phát triển hơn nữa nghề này nên truyền dạy cho con em trong vùng. Trước năm 1975, lúc làng nghề còn thịnh vượng có trên 50 hộ làm nghề. Cùng với việc hình thành làng nghề thì ở khu vực Chợ Lớn - Gia Định đã hình thành các khu bán hàng thủ công, các sản phẩm đúc đồng từ nồi niêu, xoong chảo đến đồ thờ cúng, lư hương, chân đèn. Lư đồng từ làng An Hội lúc này không chỉ có mặt khắp xứ Nam kỳ lục tỉnh mà còn sang tận nước bạn Lào, Campuchia. Tính đến thời điểm hiện tại, làng nghề đã trải qua 5 thế hệ cha truyền con nối.
Nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải trải qua nhiều công đoạn, tất cả đều được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Mỗi người thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn. Bắt đầu là làm khuôn ruột bằng đất sét được cán nhuyễn, sàng lọc thành bột cùng với tro trấu giã nhuyễn. Tiếp đó là công đoạn đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy. Công đoạn thứ ba là sẽ bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài, loại đất này phải được rây mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang phần làm nguội, gồm các khâu mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.
Mai này còn không?
Mới 5-7 năm trước đây, nhất là những tháng cận tết, những ai đến làng lư còn thấy không khí làng nghề rất xôm tụ, thương lái đặt hàng làm không kịp, ai nấy tuy cực nhưng đều vui như hội, còn giờ đã khác. Từ một làng nghề đông đúc nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân, công nhân làm việc, nay làng lư đồng An Hội chỉ còn 5 hộ gia đình gắn bó với nghề truyền thống này, gồm các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh và Quốc Kiển.
Bà Phạm Thị Liên, chủ lò lư Ba Cồ, cho biết: “Giá đồng nguyên liệu thất thường, nghề lại làm thủ công nên phần lớn nghệ nhân đều lấy công làm lời, hiệu quả kinh tế không nhiều, chủ yếu là giữ nghề của ông bà truyền dạy. Chưa kể, vài năm gần đây, thị trường cũng xuất hiện lư đồng được sản xuất công nghiệp, toàn máy móc nên dân làng nghề chúng tôi cũng gặp không ít thử thách”. Ông chủ lò lư Hai Thắng tâm tư: “Diện tích đất trên địa bàn bị thu hẹp, một số gia đình bán đất nên không thể tiếp tục theo nghề. Chưa kể lớp trẻ ngày nay mấy ai muốn theo nghề cực khổ, đầy bụi đất, chai chân chai tay này? Các con tôi biết nghề hết, mấy đứa lớn là kỹ sư, nhà giáo, chỉ có hai người con trai theo nghiệp cha thôi. Làng nghề truyền thống này rồi sẽ đi về đâu, thật lòng tôi cũng chưa biết”.
Lư đồng An Hội hiện có 2 loại: loại lư Bắc thường có hình dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam có dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5-6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/bộ, tùy theo lượng đồng, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết (rồng phụng, trúc mai, chim hạc, song long hoặc phúc lộc thọ...). “Tôi rất yêu nghề nên không muốn bỏ nghề truyền thống của cha ông, cũng không muốn làng lư đồng An Hội mai một. Hai con lớn của tôi khá thạo nghề, có thể truyền dạy được nên tôi mong mỏi nhà nước có chính sách kịp thời để hỗ trợ làng nghề”, nghệ nhân Trần Quốc Kiển tâm tình.
Làng lư đồng An Hội mai này liệu có còn đỏ lửa hay rồi sẽ dần mai một? Lưu giữ nghề truyền thống đúc lư đồng như lưu giữ một nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn xưa hay chuyển đổi nghề khác kinh tế hơn đang là câu hỏi lớn, là nỗi trăn trở khôn nguôi với những nghệ nhân tâm huyết của làng nghề.
Minh An