
Họ là những người từng một thời lầm lỡ, từng sa đà vào tệ nạn mại dâm, ma túy, từng “tạm trú” ở Trung tâm 05-06. Quay về với cuộc sống lương thiện, hòa nhập cộng đồng, bằng nghị lực và lòng tin, họ đã đến với nhau, xây dựng gia đình, đùm bọc nhau nuôi con ăn học, lao động giúp ích cho đời… Ban đầu là 1-2 hộ, nay thì đã thành làng, được gọi là làng hoàn lương, ở thôn Lệ Mỹ – Nam Yên, xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
- Vượt lên mặc cảm

Đã bước qua tuổi 50 mà bà Trần Thị Phúc vẫn không giấu được cảm xúc ê chề của một thời đã qua. Ngày xưa, bà là cô gái xinh xắn nhất vùng Điện An, Điện Bàn (Quảng Nam). Tôi cảm nhận được lời bà kể qua nét mặt, dù đã nhiều nếp nhăn, nhưng vẫn thoáng nét duyên dáng với đôi lúm đồng tiền trên má. Bị người yêu ruồng bỏ, chán cảnh phải sống với người mẹ kế nên bà đi bụi, hư hỏng rồi dấn thân vào con đường mại dâm. Bị đưa vào Trung tâm 05-06, ba năm ở đây là khoảng thời gian đằng đẵng với bao nỗi mặc cảm. Trong suy nghĩ của bà, cuộc đời thế là đã hết…
Cảnh ngộ của chị Nguyễn Thị Duyên cũng không khác gì. Sinh ra ở Huế, mới ngoại tứ tuần nhưng trông chị Duyên khá già - nếp già của thời gian và sự dằn vặt của mặc cảm. Chị Duyên cũng từng ở 3 năm tại Trung tâm 05-06. Chị kể, trước, trung tâm này chưa mang tên Trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề mà là Trung tâm phục hồi nhân phẩm. Bất chợt, chị quay lại hỏi tôi: “Mất nhân phẩm có phục hồi được không em?”. Câu hỏi đó đã làm chị đau đớn và sợ hãi. Chị bỏ trốn, rồi quay lại con đường cũ. Sau đó, chị Phúc đã tìm đến và động viên chị trở lại trung tâm.
Trước mặt tôi là một gương mặt khá bặm trợn, anh Mai Ngọc Hồng từng là một con nghiện. Ít ai ngờ, một nhân vật từng lăn lộn trong giới giang hồ, khét tiếng là kẻ liều mạng, giờ âm trầm, rụt rè đến lạ. Quê ở Quế Sơn (Quảng Nam), Hồng đua đòi bạn bè hút thử. Sau đâm nghiện lúc nào không hay.
Sau khi được hướng nghiệp, dạy nghề, họ tự nguyện đến với nhau, nương tựa nhau, sinh con đẻ cái. Nhiều người trong số họ giờ đã là ông bà, cha mẹ của những đứa con trong cái làng hoàn lương. Từng ngày, họ đang phấn đấu trở thành những người sống ích cho đời, cho xã hội. Bà Phúc hiện đang làm tổ trưởng phụ nữ của làng, là người tích cực vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước đến từng hộ gia đình trong ngôi làng “đặc biệt” này.
- Còn nhiều khó khăn
Với người bình thường, làm người tốt đã là không dễ. Với những người đã từng lầm lỗi, lại càng khó hơn vì cảm giác mặc cảm, tự ti. 24 hộ gia đình với hơn 60 nhân khẩu của làng hoàn lương là những con người minh chứng cho khát vọng sống, khát vọng làm người lương thiện. Đó là những bà Phúc, chị Duyên, anh Hồng, chị Trần Thị Lực…

Được hỗ trợ 8 triệu đồng, bà Phúc đã dựng nên căn nhà làm nơi xum họp với con gái và đứa cháu ngoại. Ảnh: HÀ MINH.
Ra khỏi trung tâm với đôi bàn tay trắng, họ chật vật vì cơm áo gạo tiền; làm thế nào để không quay lại con đường cũ; làm thế nào để con cháu sinh ra và lớn lên không bị xa lánh; để chúng có cuộc sống như những người bình thường khác? Không tài sản, không đất đai sản xuất, ngày ngày, với cây rựa trên tay, các chị em dắt díu nhau lên rừng hái củi, bứt mây về bán. Ngày khá lắm cũng được khoảng 20 ngàn đồng đắp đổi. Còn cánh đàn ông thì làm thợ, ai kêu gì làm nấy, miễn là làm ra tiền. “Khó thì nói bao nhiêu cho vừa, nhưng phải cho con cháu đi học để chúng thoát khỏi cảnh này, để chúng tự tin ra đời”- chỉ đứa cháu gái tên Bống đang ngồi bên bàn học, bà Phúc tâm sự.
Đến nay, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những cư dân làng hoàn lương: trợ vốn, vật nuôi (heo, gà, bò..) và tiền xây dựng nhà với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ; làm thủ tục nhập hộ khẩu trên địa bàn... “Cuộc sống giờ đã tạm ổn, tuy nhiên, băn khoăn nhất ở đây là tương lai của tụi nhỏ”- anh Hồng đăm chiêu. Anh Hồng có 3 đứa con thì một đứa phải ở nhờ với cậu, một đứa làm con nuôi bên Mỹ, anh chị chỉ nuôi một đứa mà vẫn thiếu trước hụt sau. Vì quá khó nên trong làng, người nhiều hỗ trợ người ít, người ít hỗ trợ người không có…
Anh Trần Văn Tý, cán bộ chuyên trách ma túy- HIV xã Hòa Bắc nhận định: “Họ chấp hành đầy đủ mọi chủ trương, pháp luật của Đảng và nhà nước nhưng, khó khăn lớn nhất vẫn còn đó: cư dân làng hoàn lương không có đất để sản xuất. Nguyện vọng của dân làng là có đất để trồng cây lương thực, trồng rừng để ổn định cuộc sống”.
HÀ MINH