Làng không hộ tịch

Làng không hộ tịch
Làng không hộ tịch ảnh 1
Những đứa trẻ ở làng chài Lạch Tray

Thật không ngờ, nằm trong thành phố Hải Phòng sôi động, giữa dòng Lạch Tray lại có một làng chài (thuộc phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) không hộ khẩu, không khai sinh, không khai tử và không có đất để lo hậu sự.

Khó khăn hậu sự...

Người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra với gia đình anh Lê Văn Dương. Anh Dương kể lại: Sau bữa cơm tối, cả gia đình anh tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, anh giật mình khi một vật thể lạ đâm sầm vào nơi họ ngủ. Đó là chiếc sà lan mất tay lái, đâm thẳng chiếc thuyền rách nát của anh và kéo đi gần 200m. Sau đó, chiếc thuyền chìm dần trước lời kêu cứu đến khản cả giọng của các thành viên gia đình anh đang trên đó.

Dân làng phát hiện, đến cứu sống được vợ chồng anh, nhưng đứa con trai duy nhất, tên Duy, thì không cứu được. Tới sáng hôm sau, người dân mới vớt được xác nó ở cách đó 10km. Anh Dương vô cùng đau khổ vì mất đứa con. Trong lúc tang gia, anh càng rối bời thêm vì phải lo tìm chỗ an táng cho con. May sao, sau đó, bà con trong làng chài đã góp tiền, được 1 triệu đồng, mới giúp anh mua được một miếng đất trên một bãi bồi cách đó tới 20km, để chôn cất cháu.

Anh Bùi Văn Cường, gần 40 tuổi, một cư dân ở làng chài, thổ lộ: “Ở đây, cứ có người chết là cả làng lại nháo nhào đi mua đất. Có gia đình không đủ tiền, còn lẳng lặng mang xác đi chôn trộm ở các cánh đồng. Đến ngày giỗ chạp, sang mồ mả, phải đợi đến đêm khuya mới dám hương nhang đến cầu khấn”. Anh Cường cũng có 2 đứa con trai bị chết chỉ cách nhau vài tháng. Vừa bán tất cả đồ đạc, tài sản để mua mảnh đất cỏn con như cái chiếu chôn đứa con đầu lòng xong thì anh phải tất tả vay tiền mới mua được đất làm nơi chôn tiếp đứa thứ hai.

Cư không an, nghiệp sao lạc?

Chúng tôi tìm đến nhà “trưởng làng chài” Bùi Văn Thao, phiêu bạt từ vùng Kim Thành (tỉnh Hải Dương) về. Anh Thao nói: “Ở đây ai chết thì tự lo việc chôn cất, không cần báo tử. Bởi vì khi sinh ra cũng đâu có được khai sinh. Không khai sinh thì không có tên trong hộ khẩu, không được cấp giấy chứng minh nhân dân. Ở đây cũng chẳng ai có chứng minh nhân dân, chẳng nhà nào có hộ khẩu”. Sau đó, anh dẫn chúng tôi đến thăm túp lều của ông Lê Văn Khảng, 72 tuổi, người đầu tiên đến làng chài này ngụ cư và cũng là người duy nhất có chứng minh nhân dân. Nhiều năm qua, ông Khảng cất nó cẩn thận trong chiếc cặp da như một báu vật.

Cuộc sống ở làng chài này đang phải đối mặt với hai nguy cơ là nghèo đói và lạc hậu. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Huyền, Chủ tịch UBND phường Ngọc Sơn (quận Kiến An, TP Hải Phòng), nơi quản lý làng chài trên, cho biết đã từng lên kế hoạch di dân và tái định cư cho họ. Tuy nhiên phường gặp khó khăn là chưa thể bố trí được quỹ đất. Bà Huyền cũng bày tỏ nỗi lo rằng, nếu bố trí được quỹ đất thì người dân cũng không có đủ tiền mua. Bởi vậy, trước mắt, phương án chung là người dân vẫn sống ở làng chài. UBND phường Ngọc Sơn sẽ đề nghị Công ty Nước sạch và vệ sinh môi trường Hải Phòng, Điện lực Hải Phòng sớm đưa điện, nước về cho họ.

Trước đây, sở dĩ việc đưa điện, nước về làng chài gặp khó khăn là do người dân chưa có hộ khẩu, khiến các cơ quan cung ứng dịch vụ công cộng lo ngại người dân ở đây sẽ không định cư lâu dài. Bởi vậy, để giúp người dân có thể sớm thực hiện các thủ tục pháp lý như chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn, khai sinh, báo tử, UBND phường Ngọc Sơn sẽ nỗ lực giúp họ làm hộ khẩu để việc quản lý dễ dàng hơn. Đồng thời, chính quyền phường cũng đã lên kế hoạch vay vốn ngân hàng để giúp bà con làm ăn, xóa đói giảm nghèo cho người lớn và triển khai liên tục các lớp xóa mù chữ, thất học cho trẻ nhỏ.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục