Làng “mẫu hệ” nơi chân sóng

Làng “mẫu hệ” nơi chân sóng

“Mẫu hệ” là cách nói ví von, ẩn chứa đầy tâm trạng của nhiều người khi tới thăm các gia đình của làng thương binh ở Long Thành. Ở đây, từ việc lớn đến việc nhỏ đều do những người phụ nữ gánh vác, bởi những người đàn ông – chủ của các gia đình, đều là thương binh nặng. Nhiều người trong số họ không còn khả năng làm chồng, làm cha đúng nghĩa…

Làng nép mình bên bờ biển cạnh Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Cơn mưa chiều nặng hạt khiến con đường đất sỏi dẫn vào làng nước ngập lênh láng. Đi qua một khúc quanh hai bên đường cỏ mọc um tùm, những nếp nhà bình dị ẩn mình sau những mảnh vườn xanh mát hiện ra trước mắt chúng tôi.

Bà Thường chăm sóc người chồng bại liệt.

Bà Thường chăm sóc người chồng bại liệt.

Vùng quê biển Long Hải vốn tĩnh mịch lại càng trở nên yên ắng hơn trong không gian của làng dành cho gia đình các thương binh nặng. “Thẳng cánh tay ra, đưa cao lên nào. Vậy nhé, cố lên, sắp xong rồi”, đang rảo bước, chúng tôi chợt sững lại khi nghe tiếng nói dịu dàng của một phụ nữ. Nhìn vào khoảnh sân nhỏ trong lối ngõ yên tĩnh đầu làng, chúng tôi thấy một người đàn bà đang thay áo cho chồng, vừa làm bà vừa dỗ dành, nựng yêu chồng.

Hai vợ chồng trạc tuổi gần sáu mươi. Người chồng thân hình co quắp, chân tay lòng khòng, đầu và cổ ngoẹo sang một bên. Nhẹ nhàng và uyển chuyển, sau vài phút người vợ đã mặc xong chiếc áo mới cho chồng rồi bà đút cơm cho chồng ăn. Nhận ra sự có mặt của chúng tôi, người đàn ông hướng cặp mắt trắng đục ra ngõ, miệng lắp bắp nói câu gì đó không rõ lời. Người vợ tất tả ra mở cổng.

- Chúng cháu về công tác tại địa phương, ghé thăm nhà cô chú.

- Cảm ơn các chú! Ông nhà tôi nói không rõ tiếng nhưng thấy khách đến nhà ông ấy vui lắm - bà nói rồi xởi lởi mời chúng tôi vào nhà.

Ngồi gần người thương binh đang ngồi co quắp trên chiếc xe đẩy chúng tôi mới để ý, nửa đầu của ông bị một vết lõm sâu hoắm. Ông tên Thạnh – Lê Văn Thạnh, thương binh hạng 1/4, quê ở Tây Ninh. Vợ ông là bà Trần Thị Thường. Ông Thạnh bị thương trong một trận đánh với bọn Pôn Pốt ở biên giới Tây – Nam năm 1978. Vết thương trên đầu khiến ông bị ảnh hưởng nặng đến não, tê liệt toàn thân. Sau khi điều trị tại Viện Quân y 175, ông Thạnh được đưa về chăm sóc ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Long Hải. Thời ấy bà Thường là một thiếu nữ trẻ miền biển, phụ gia đình buôn bán hàng hải sản. Một lần khi cùng chi đoàn thanh niên địa phương vào thăm, tặng quà các thương binh nặng ở trung tâm, tấm lòng người thôn nữ miền biển đã quặn thắt lại khi chứng kiến nỗi đau đớn của anh thương binh Lê Văn Thạnh. Hiểu và thông cảm với hoàn cảnh bi thương của anh, những buổi chiều rảnh rỗi cô gái miền biển thường vào trung tâm thăm anh, đẩy xe lăn đưa anh đi dọc bãi biển để hóng gió, ngắm sóng và trò chuyện vu vơ với anh cho qua nỗi buồn. Tình thương, sự san sẻ và trong chị còn có cả lòng ngưỡng mộ về sự hy sinh dành cho người lính ấy đã biến thành tình yêu lúc nào không hay.

Khi Thường xin phép ba mẹ được lấy anh thương binh liệt hai chân làm chồng, cả gia đình cô bị sốc. Một cô gái nết na, giỏi giang không thể gắn bó cuộc đời với một người tàn phế - cha mẹ đã đau khổ nói thế với chị bao nhiêu lần.

Khuyên can con gái không được, ba mẹ cô tuyên bố từ con. “Số phận đã đưa con đến với anh ấy. Nếu bây giờ con bỏ đi lấy chồng, anh sẽ suy sụp mà chết mất. Anh đã chịu quá nhiều mất mát, hy sinh, con không thể gieo thêm nỗi đau cho trái tim anh ấy nữa” – cô nói. Thường khóc cạn nước mắt, cúi lạy ba mẹ rồi khăn gói tình nguyện đi theo chăm sóc anh thương binh bại liệt đang thắp thỏm chờ tin cô. Thế rồi đám cưới của họ được tổ chức rất đơn giản ở trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Long Thành. Hình ảnh chú rể ngồi xe lăn bên cạnh cô dâu mặc váy cưới trở thành một sự kiện gây xúc động đối với người dân vùng biển. Được trung tâm cấp cho một mảnh đất, bà con cô bác, bạn bè giúp đỡ dựng cho một căn nhà nhỏ, họ về sống với nhau. Vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa là cô bảo mẫu… suốt gần ba thập kỷ qua bà Thường ân cần chăm sóc, nuôi nấng người chồng bại liệt. Số phận đã bù đắp cho hai vợ chồng một cậu con trai kháu khỉnh, giờ đây đã là sinh viên đại học. Hàng ngày bà Thường vẫn dìu chồng tập đi. Rất gian nan và khó nhọc. Đôi chân tong teo, co rút của ông Thạnh không thể nâng nổi thân mình. Bà Thường phải giúp chồng tập đi bằng… tay. Sau nhiều năm kiên trì tập luyện, đến nay ông Thạnh đã có thể tự di chuyển từ nhà ra sân bằng cách “đi” với hai tay “đi trước” và một chân “đi sau”.

Ngôi nhà của ông Thạnh, bà Thường là tổ ấm đầu tiên của làng thương binh nặng này. Giờ đây làng thương binh Long Thành đã có vài chục nóc nhà. Phần lớn những người chồng của các gia đình đều là thương binh bại liệt, có người liệt cả nửa thân người vì thế tất cả mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều do những người phụ nữ đảm trách. Chị Trần Thị Kim Hồng, vợ của thương binh Nguyễn Đình Chiểu tâm sự: “Chị em chúng tôi khi quyết định làm vợ thương binh bại liệt, ai cũng gặp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình, người thân. Ban đầu tôi cũng không có ý nghĩ sẽ lấy anh Chiểu. Chỉ đến khi trở thành một điều dưỡng viên làm việc tại trung tâm, trực tiếp chăm sóc thương binh nặng, tôi mới thấu hiểu hết những hy sinh, mất mát, đớn đau các anh phải gồng mình chống chọi hàng ngày, hàng giờ. Từ tình thương, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia, tôi đã yêu anh lúc nào không rõ và thấy mình cần phải bù đắp cho cuộc đời anh”.

Thương binh Vũ Văn Hấn rơm rớm nước mắt khi kể về mối tình với cô giáo Phan Thị Minh Tâm. Dù có nhiều người theo đuổi trước đó nhưng trong một lần cô Tâm dẫn học trò vào thăm các chú thương binh, số phận đã đưa cô giáo miền biển đến với người thương binh bại liệt. Bây giờ, họ đã có một đứa con trai thật kháu khỉnh, dễ thương và học giỏi.

Vợ chồng anh Chiểu, chị Hồng.

Vợ chồng anh Chiểu, chị Hồng.

Mỗi tổ ấm ở làng thương binh này là một câu chuyện tình cảm động nhiều nước mắt mà trên hết và tất cả đều xuất phát từ tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia của những người phụ nữ.

Cô dâu mới nhất của làng thương binh là chị Nguyễn Thị Lợi. Khi chúng tôi ghé thăm tổ ấm của vợ chồng chị, chị Lợi bẽn lẽn nhắc lại những kỷ niệm của cái thuở ban đầu duyên phận đưa chị đến với anh thương binh bại liệt Trần Văn Lợi. Mới đó mà đã 5 năm. Ngày ấy, chị Lợi làm công nhân tại một xí nghiệp may ở TPHCM. Duyên số dun dủi nên trong một lần xuống Bà Rịa thăm người bạn thân, chị Lợi tình cờ biết rồi quen người thương binh nặng cùng tên. “Bữa đó tôi đi dạo dọc bờ biển rồi vào làng thương binh chơi. Khi đi ngang qua một ngôi nhà nhỏ, tôi nhìn thấy một người thương binh ngồi xe lăn đang loay hoay vo gạo nấu cơm. Thấy anh làm việc lóng ngóng, vất vả, tôi nói “chú để cháu làm cho”, rồi vào giúp anh. Chẳng ngờ cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy lại trở thành duyên phận gắn kết tôi với anh”.

Anh Lợi xúc động tiếp lời: “Tôi sống với người mẹ già tại làng thương binh này khá lâu rồi. Sau khi mẹ tôi mất, mặc dù được các bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc tận tình nhưng tôi vẫn thấy trống vắng, cô đơn. Ngày gặp cô ấy, tôi chỉ mong có được một người bạn để tâm sự chứ đâu dám mơ sẽ nên duyên chồng vợ. Tôi tàn phế, không còn khả năng làm chồng, làm cha, tôi hiểu lấy nhau rồi sẽ làm cô ấy sẽ rất khổ. Nhưng Lợi đã yêu tôi thật lòng. Cô ấy đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc thầm lặng nhưng thật lớn lao”.

Để đến được với nhau, cả hai anh chị đều đã trải qua những thử thách, sóng gió của gia đình và người thân. Trước sức ép và sự khuyên can của gia đình, người thân, nhiều lúc chị Lợi cũng thấy nản lòng. Chị chấp nhận xa anh để mong lòng mình lắng lại như gia đình khuyên nhủ. Nhưng cứ xa anh Lợi được một thời gian, chị lại nhớ anh đến cồn cào. Chị yêu anh không chỉ bằng sự cảm thông, nỗi nhớ, niềm thương thông thường mà còn là sự hy sinh cao cả.

Chị Lợi âu yếm nhìn chồng rồi quay sang tôi:

- Vợ chồng tôi cũng sẽ xin con nuôi. Với tôi, chỉ cần sức khỏe anh Lợi ngày một tốt lên, vợ chồng chúng tôi cùng hạnh phúc bên đứa con nuôi, thế là đủ.

Gương mặt chị Lợi sáng lên niềm vui khi nhắc đến điều mong ước giản dị. Chị đang mơ đến một ngày được bế trên tay một cháu bé và chờ đợi giây phút đứa trẻ bập bẹ gọi “mẹ”, gọi “cha” ª

Người phụ nữ nào khi làm vợ cũng mong có được niềm hạnh phúc làm mẹ, nhưng ở làng thương binh không phải ai cũng đạt được điều ấy. Nhiều thương binh bại liệt không còn khả năng làm chồng, làm cha đúng nghĩa. Biết rõ điều ấy nhưng vẫn có những người phụ nữ sẵn sàng chịu đựng mất mát, thiệt thòi, gắn bó đời mình với thương binh bại liệt. Họ chấp nhận cuộc sống bạn bè với các thương binh liệt cột sống trên danh nghĩa vợ chồng. Nỗi ám ảnh lớn nhất của những người vợ thương binh bại liệt ở đây là sự biến đổi thất thường của thời tiết. Mỗi khi trái gió trở trời, hầu như thương binh nặng nào cũng trở chứng, vết thương sưng tấy đau nhức, thần kinh bị kích động. Chuyện thương binh nặng la hét, đập phá khi lên cơn đau xảy ra thường xuyên...

* Cùng chung cảnh ngộ như vợ chồng anh chị Lợi là tổ ấm của anh Nguyễn Xuân Hải và chị Nguyễn Thị Hoa, anh Phạm Quốc Chính và chị Lý Thị Tươi… Dù mái ấm gia đình của những người thương binh nặng liệt cột sống thiếu vắng sự hiện diện của những đứa con ruột thịt, nhưng trong mỗi căn nhà ấy vẫn ngập tràn tiếng cười trẻ thơ, tiếng ầu ơ của những người mẹ hát ru con. Bao tình cảm yêu thương, niềm hy vọng vào ngày mai họ dành hết cho những đứa con nuôi.

Phan Minh Giang

Tin cùng chuyên mục