
Sông Mã hùng vĩ. Đang mùa cạn nhưng nước vẫn chảy xiết, để phô ra những bãi sỏi đá nhẵn nhụi. Chính bãi sỏi đá này là nguồn sống của hơn 100 hộ dân chài với hơn 1.000 nhân khẩu của 2 làng chài Tân Phong và Tân Thành, xã Cẩm Phong và thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
- Thổi cơm từ... đá sỏi

Chị Thoa bên những đống sỏi chưa bán được
“Căn nhà” nổi của anh Nguyễn Văn Ngọc và chị Nguyễn Thị Thoa nằm ngay chân cầu Cẩm Thủy. Anh 53, chị 52 tuổi nhưng họ có 10 người con. Hơn tháng nay, anh không đi lấy sỏi nữa. Con thuyền nằm hững hờ bên cạnh, khoang thuyền khô trắng. Thỉnh thoảng, con thuyền rung lên vì nước chảy và gió đùa như muốn cất lên lời khất cùng sông nước: sẽ sớm xuôi ngược dòng sông. Khi chúng tôi đến, anh Ngọc đang nằm ngủ, không đi lấy sỏi vì chủ Công ty Hưng Thịnh vừa mất.
Anh chị vừa kể vừa chỉ lên bờ. Theo tầm tay, khoảng chục mét khối cuội nằm im lìm, trơ ra như thách thức sự bền bỉ của lòng người. Xung quanh, cỏ đã xỉa lên cả gang tay. Bữa cơm toàn rau muống luộc kèm chút muối vừng rắc vội của đứa cháu trai 2 tuổi mà cô con gái cả gửi trông nhờ để đi mót đá. “Đá không bán được, nồi cơm cũng “treo” luôn”, chị Thoa thở dài.
Hai mẹ con chị Hợp ở Tân Phong đang gồng mình chèo ngược sông. Nước chảy xiết, đá dằm thuyền xuống, cả thuyền và người như con gọng vó gãy càng cố lết, trôi sông. Chị Hợp cho biết, ở đây có 2 công ty - Huy Thịnh và Sơn Thành - thu mua đá (giá 120.000đ/m3 đá trắng, 70.000đ/m3 đá đen) và bán lại cho Công ty Gạch Đồng Tâm Long An, Công ty Ceramic Thanh Hóa, Công ty Cosevo Đà Nẵng. Cứ 3-4 nhà sau 4 ngày thì gom được 1 xe tải 14 khối.
Theo các cụ cao tuổi trong làng, việc nhặt đá đã có từ 5, 7 năm nay. Bây giờ, nhà nhà nhặt đá, người người mót đá. Những bãi đá gần như bãi Ngốc, bãi Chay, bãi Gầm… đã vơi. Muốn kiếm được nhiều đá to, dân phải đánh thuyền lên tận các huyện Hồi Xuân, La Hán, Bá Thước. Có khi sang cả Quan Hóa - giáp nước bạn Lào. Ngày đi, ngày về, ngày nhặt đá, có khi 3 ngày trời mới về đến nhà.
Tại bãi Gầm, một bãi thoi dài giữa sông, hàng chục thuyền gỗ, thuyền sắt đang đậu lơ lửng… ăn đá. Thường 2 người một thuyền, tay cầm làn, tay bới đá. Mênh mông giữa trời đất, họ lặng lẽ cạy cục, nhặt nhạnh; nâng viên đá hòn sỏi như nâng niu từng “hạt ngọc” trời cho. Cụ Tam, gần 80 tuổi, cho biết, trước dân ở đây có nghề nuôi cá lồng. Nhưng mấy năm nay, cá chết nhiều vì ô nhiễm. Tưởng không gượng nổi sau trận ấy, nào ngờ có sỏi, có đá mà bụng người được chắc.
Làng lên phố, trẻ bỏ học nhiều hơn
Hai bên bờ sông Mã, cùng một “thế giới” thuyền chài nhưng một bên là làng, một bên là… thị trấn. Trước kia, làng Tân Thành là HTX vận tải Tân Thành chở hàng quân nhu. Từ khi không còn trong đội vận tải, làng trở thành… phố vì hơn 60 hộ ở đây được xếp vào tổ 1- thị trấn Cẩm Thủy. Và dân chài đương nhiên được coi là… dân phố.
Chị Thoa giãi bày, từ khi làng lên phố, con cháu đi học không được ưu tiên như trước. So với làng Tân Phong đang được hưởng chính sách 135 (về xóa đói giảm nghèo), trẻ con đi học được nhận cặp sách, tập vở… thì bên này chỉ có sổ nghèo cắm thân. Mất ưu tiên nên năm học rồi, có gần 20 học sinh lớp 6 (chiếm nửa lớp) Trường THCS thị trấn Cẩm Thủy đã bỏ học. Năm trước cũng có gần chục em phải bỏ dở. Cháu Nguyễn Thị Thủy, 14 tuổi, con gái chị Thoa cũng vừa thôi học. Rồi thằng con thứ 9 của chị cũng vừa nghỉ lớp 6. Với anh chị, lo bữa cơm cho chúng đã khó, lấy đâu ra tiền để đóng góp, dù tiền học phí, tiền xây dựng đã được giảm phân nửa. Các khoản khác như: tiền hội phụ huynh, quỹ lớp, mua bàn ghế 150.000đ/bộ/em thì chịu, không kham nổi.
Anh Ngọc chua xót lý giải chuyện con trai thứ 9 của anh chị học rất khá mà đành bỏ vì không đóng góp đầy đủ. Em nào không theo được thì ở nhà đi mót đá. Em nào theo được cũng gian nan, trầy trật. Có em học khá nhưng không được giấy khen vì tội… bố mẹ không đóng đầy đủ tiền. Họp phụ huynh, cô chủ nhiệm nói thẳng, em Hằng, Nhàn, Trung… không được khen tặng vì vẫn còn nợ tiền quỹ lớp. “Nghĩ đau lắm cô ơi! Không kêu thì tủi, kêu thì người ta chỉ trỏ. Giờ đá vất chỏng trơ, biết làm sao…”, chị Hà, người có con vừa mới bỏ lớp 6 than thở.
- Mơ được lên bờ
Cuối năm 2006, huyện Cẩm Thủy đã cấp đất cho 39 hộ lên bờ. Ai cũng khát khao được lên bờ nhưng chỉ người có tiền, có khả năng xây nhà mới thực sự được… lên bờ. Theo cụ Tam, mỗi hộ được cấp hơn 100m2 đất và 3 triệu đồng. Xây nhà là hết, người dân không có đất canh tác nên “mèo vẫn hoàn mèo”: dân chài vẫn bồng bế xuống sông, nhà trên bờ chỉ để trú mưa và cho trẻ con ở. “Công việc chính của họ vẫn là mót đá và chài lưới. Vốn liếng không có, rời sông thì chỉ còn nước… chết đói! Thành ra, có nhà nhưng phải đóng cửa, phải bám sông để kiếm cái ăn”- cụ Tam giải thích.
Nói chuyện lên bờ, nhiều người đã chảy nước mắt khi nhắc đến mong muốn cả đời là lên bờ, thoát cảnh dập dềnh sông nước. “Ngày mưa ngày gió đỡ dột nát, ướt át. Tội nhất là đám trẻ, năm nào cũng có đứa chết đuối. Năm ngoái có mấy đứa chết trôi mới 3- 4 tuổi. Mới nửa tháng trước, 2 cháu nhà ông Thắng béo đi học về, bị ngã xuống sông, mấy ngày mới tìm thấy xác…”, cụ Hiện đau xót kể.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Đăng Lanh, phó Trưởng phòng GDĐT huyện về tình trạng học sinh làng chài bỏ học hàng loạt, cả hai ông đều phủ nhận (?!). Về việc các em bên tổ 1 không được “ưu tiên”, ông Thành lý giải là do… chính sách của mỗi xã khác nhau. Còn ông Nguyễn Văn Lanh thì không công nhận tình trạng bỏ học vì 2 trường tiểu học và THCS thị trấn đã lên chuẩn quốc gia và rất gắt gao trong việc… đảm bảo sĩ số. Nhưng sau đó, chính ông Lanh lại chặc lưỡi “vận động con em làng chài đi học rất vất vả, các em không đi học, mà có đi học cũng không đúng tuổi” (!?).
Chia tay làng chài, chúng tôi cứ miên man nhớ về ước mơ được lên bờ của cả ngàn dân chài Cẩm Thủy và mong sao “lũ trẻ đừng phải thất học”.
ĐƯỜNG LOAN