Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - Môi trường, TPHCM là địa phương có nhiều dự án, quy hoạch treo nhất cả nước. Cho đến nay, hàng chục dự án như xây dựng công viên, khu dân cư ở quận Gò Vấp, Tân Bình, quận 9… vẫn nằm trong diện dự án treo, chưa được giải tỏa. Điều đó gây bức xúc trong đời sống hàng ngày của người dân. Dưới góc độ kinh tế, với diện tích hàng ngàn ha đất đang bị “treo”, nếu tính theo giá trị đất hiện nay, đang có hàng trăm ngàn tỷ đồng bị lãng phí. Sự lãng phí đó là vô cùng lớn.
Quy hoạch là vấn đề được chính quyền TP quan tâm để từng bước đổi mới bộ mặt đô thị, sử dụng hợp lý vị trí, tiềm năng của các khu đất để TPHCM ngày một đẹp hơn, hiện đại hơn. Nhưng do nhiều hạn chế, nhất là năng lực xây dựng dự án, triển khai thực hiện của các địa phương và các chủ đầu tư nên nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng không được triển khai. Một số dự án có tính khả thi rất kém, dù đã hết hiệu lực quy hoạch nhưng vẫn không được các địa phương gỡ bỏ khiến đất bị bỏ hoang, nhà dân trong vùng đất quy hoạch rất khó được sửa chữa, xây dựng lại. Nhiều trường hợp người dân muốn bán nhà nhưng không thực hiện được.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng quy hoạch treo rất nhiều. Chính quyền TPHCM và chính quyền các quận huyện cũng đã thấy và vấn đề thường xuyên được đưa ra tại các cuộc họp HĐND TP nhưng cho đến nay, thực trạng trên vẫn bế tắc và chưa có hướng giải quyết nào được thực hiện rốt ráo.
Theo Khoản 3 Điều 29 của Luật Đất đai: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm, nếu không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch đó phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố”. Những trường hợp sau 3 năm mà không thực hiện và cũng không điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch thì được coi là “quy hoạch treo”.
Như vậy, có thể hiểu đối với các công trình, dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước sau 3 năm, kể từ ngày kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa đủ kinh phí để thực hiện thì được phép điều chỉnh. Đối với các công trình, dự án đầu tư khác mà không đủ kinh phí hoặc chưa xác định được nhà đầu tư để thực hiện thì phải công bố hủy bỏ. Hiện nay, một số địa phương không thực hiện việc công bố kế hoạch sử dụng đất hoặc có công bố nhưng sau 3 năm kế hoạch sử dụng đất đó chưa được thực hiện vẫn không tuyên bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ cho nhân dân biết, có trường hợp lại thông báo bằng miệng với nhân dân về quy hoạch công trình này, dự án nọ... đều là không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.
Cái khó của thực trạng này là, mục đích của quy hoạch nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng xã hội, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng vì khó khăn nên chưa hoặc không triển khai được, nếu để kéo dài, gây lãng phí lớn và thiệt hại cho dân. Nhưng nếu để quy hoạch bị phá vỡ thì kế hoạch xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại sẽ không thực hiện được. Bài toán xem ra bế tắc nếu các dự án không được triển khai với một cơ chế mới, mô hình mới.
Cho đến nay, TPHCM mới chỉ có một đơn vị là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật tham gia triển khai một vài dự án nhưng còn rất hạn chế về vốn, thiết bị kỹ thuật. Nếu có một số tập đoàn đầu tư hạ tầng kỹ thuật đủ vốn và năng lực kỹ thuật, nhân lực để triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chiến lược, việc giải quyết các dự án treo sẽ có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, cần phân loại dự án theo từng cấp (TP và quận, huyện) nhằm tránh tình trạng “treo” tràn lan mà không ai chịu trách nhiệm.
Tìm ra hướng đi mới, cách làm mới, xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo không chỉ là biện pháp thực hiện một cách tốt nhất chủ trương xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, giải quyết thỏa đáng nhu cầu ăn ở, đi lại, vui chơi giải trí của người dân mà còn là nội lực đầy tiềm năng được khai thác một cách có hiệu quả để phát triển kinh tế TP.
Thăng Long