Câu chuyện taekwondo TPHCM tốn hàng tỷ đồng đào tạo VĐV nhưng khi đến Đại hội TDTT lại cho các địa phương khác mượn người và đoạt thành tích, hoàn toàn không phải là chuyện mới mẻ. Nó đã xảy ra ở nhiều môn thể thao khác.
Ban đầu, có thể xuất phát từ bệnh thành tích, khi nơi cần có huy chương thì sẽ tìm cách mượn VĐV, đồng thời cũng nhờ nơi cho mượn tạo “cơ chế” để VĐV có thể chiến thắng. Tuy nhiên về bản chất, đây chỉ là hệ quả tất yếu của sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, tư duy lạc hậu của một nền thể thao thiếu tính chuyên nghiệp.
Ở một nền thể thao chuyên nghiệp, làm gì có chuyện “mượn” VĐV rồi “đi đêm” để đổi chác huy chương, bởi các đơn vị sẽ phải chuyển nhượng một cách công khai, quyền lợi VĐV cũng được xác định rõ ràng và việc họ có trách nhiệm nỗ lực thi đấu để giành chiến thắng cho đơn vị. Muốn có thành tích thì phải có VĐV giỏi, muốn có VĐV giỏi thì cần phải tốn nhiều tiền cho nơi chuyển nhượng. Mọi thứ rất sòng phẳng. Nơi bán hay chuyển nhượng VĐV không bị lãng phí ngân sách đã đầu tư.
Ở nước ta, các nhà quản lý bộ môn mỗi năm thường đưa ra các chương trình phát triển VĐV đỉnh cao để “xin” tiền ngân sách, khi số lượng VĐV dôi dư, lại tạo ra cơ chế cho mượn để giúp VĐV có kinh nghiệm thi đấu. Vì là tiền nhà nước nên chỉ cần mỗi năm tìm kiếm vài thành tích nổi bật để báo cáo là có thể hợp thức hóa các khoản chi mà không cần quan tâm đến việc đã lãng phí bao nhiêu tiền của đào tạo VĐV. Đây là thực trạng chung của một số môn thể thao vẫn đang được nhà nước bao cấp, thậm chí cũng đã xảy ra ngay trong chương trình “Thế hệ vàng” với gần 30 VĐV gởi đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, nhưng hiệu quả thì không đáng kể và cũng chẳng có ai nhận trách nhiệm về chương trình này do đặc thù trong công tác đào tạo tài năng thể thao.
Trong bối cảnh các môn được xã hội hóa như bóng đá nữ, xe đạp, bóng đá nam, bóng chuyền… của TPHCM phải vất vả kiếm nguồn tài chính bên ngoài để duy trì phong trào và phát triển đỉnh cao thì ngược lại, những môn được “bao cấp” như Taekwondo lại lãng phí lớn về ngân sách đào tạo và sử dụng VĐV. Phải chăng chính việc không chịu sức ép tự thu - tự chi mà một môn có phong trào rất mạnh như Taekwondo chỉ mới được phép thành lập liên đoàn gần đây. Nhưng ngay cả khi đã được phép thành lập liên đoàn thì quá trình vận động thành lập lại gây nhiều tranh cãi do có nhiều thành viên đang làm việc trong bộ máy quản lý tham gia ban chấp hành, dẫn đến khả năng tái lặp tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của cơ quan quản lý nhà nước chứ không theo chiều hướng phát triển thể thao chuyên nghiệp.
Vụ lùm xùm quanh môn taekwondo hay khả năng xóa sổ đội xe đạp TPHCM một lần nữa gây lo ngại về sự quản lý của thể thao TPHCM vốn đang thụt lùi, từ chỗ rầm rộ phát triển các liên đoàn xã hội hóa này lại quay về sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp tục thực hiện các mô hình “nuôi gà chọi”, gây thêm sự lãng phí tiền bạc và các nguồn lực của xã hội. Đã đến lúc phải mạnh dạn xóa bỏ việc bao cấp ngân sách đào tạo để tiến tới một nền thể thao chuyên nghiệp.
VIỆT QUANG