Lãng phí tiền tỷ

Báo cáo mới nhất từ Bộ Công thương, hiện đã có 53/63 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn giá. Các thành phố lớn còn khuyến khích các doanh nghiệp mở nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa thiết yếu trong 10 ngày cao điểm mua sắm tết. Bộ Công thương cũng dự báo, sức mua Tết Bính Thân 2016 sẽ tăng khoảng 20% ở khu vực thành thị; tăng 15% ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, đến thời điểm này có thể chắc chắn: sức mua tăng nhưng sẽ không “sốt giá”! Tại hai thị trường lớn TPHCM và Hà Nội, sức mua trong ngày đưa ông Táo về trời sôi động hẳn, nhưng gần như không có biến động gì về giá cả; cá chép, kẹo mứt, hoa, trái cây… giá vẫn như những mùa tết trước.

Nhiều tín hiệu cho thấy tết năm nay sẽ là một cái tết bình ổn. Bởi nhiều mặt hàng nông sản cung ứng tết được mùa, giá rét ở phía Bắc đang gây khó khăn cho xuất khẩu lại vô tình “đẩy” một lượng lớn hàng hóa dội chợ trở về tiêu thụ nội địa. Vì vậy giá thực phẩm sẽ khó tăng khi nguồn cung quá dồi dào so với sức mua. Trên góc độ doanh nghiệp (DN), khi chỉ còn vài ngày nữa đến tết, rất nhiều DN tỏ ra lo lắng về mãi lực. Nhiều DN chế biến thực phẩm lớn ở phía Nam cho rằng sức mua sẽ tăng nhưng vẫn yếu hơn những mùa tết trước. Riêng các DN du lịch thì thấy trước một mùa kinh doanh thất thu. Suốt tuần qua có hàng trăm vé máy bay bị trả lại, chịu mất cọc vì không bán được tour. Những dấu hiệu này cho thấy, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, tâm lý “chơi tết” đã dần thay cho “ăn tết”. Và tâm lý phấn khích với tết vẫn chưa thắng được sự co thủ, chi tiêu tiết kiệm. 

Tết tiết kiệm… là chuyện đáng mừng, nhưng ở một góc độ khác, tiền tỷ lại đang bị vứt bỏ một cách dễ dàng. Đúng vào ngày 23 tháng Chạp, truyền thông liên tục đưa tin người dân các tỉnh phía Bắc chen chúc mua đồ cúng lễ. Bình quân mỗi mâm đồ vàng mã cúng lễ ngày ông Công, ông Táo ở Hà Nội 40.000 - 120.000 đồng. Có một thống kê từ năm 2014, mỗi năm người Việt đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Sự lãng phí này quả là một sự thật đáng lo ngại.

Mới đây, Hà Nội vừa hoàn tất việc thống kê  lễ hội trên địa bàn, với hơn 1.000 lễ hội có quy mô khác nhau, hầu hết tập trung trong tháng Giêng - “tháng ăn chơi” (theo quan niệm cũ). Nếu tính hết các tỉnh phía Bắc, số lễ hội tết phải nhân theo cấp số nhân, trong đó có không ít lễ hội bị lên án như hội chém lợn, hội phát ấn đền Trần… Đền chùa tràn ngập vàng mã bị đốt, tràn ngập tiền lẻ phủ khắp các bàn thờ, tràn ngập rác và khói suốt cả tháng Giêng. Dù là xã hội hóa các lễ hội, nhưng những lễ hội nặng tính hủ tục này đang đốt tiền tỷ của cộng đồng mỗi mùa tết đến xuân về, kèm theo những hình ảnh xấu, những suy nghĩ không đúng về thuần phong mỹ tục…

Tết vui, tết tiết kiệm, tết bình ổn… đang dần trở thành xu hướng, văn hóa đón tết của người Việt. Chỉ mong là những hạt sạn trên đây, những hủ tục lạc hậu cũng cần được gột bỏ. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cuộc vận động nâng cao ý thức cộng đồng, sự kiên quyết của chính quyền địa phương, làm sao để mỗi năm đón tết, chúng ta không phải lo chuyện cháy nhà vì tục cúng vàng mã, không phải nuối tiếc tiền tỷ bị đốt cháy lãng phí.

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục