(SGGP). – Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 19 chương và 160 điều, tăng thêm 4 chương và 24 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng 19-9. Buổi chiều, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng vốn kinh phí và tài sản của Nhà nước.
Gây ô nhiễm, quy định rõ xử lý trách nhiệm
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhận định, đây là một văn bản pháp luật đề cập đến rất nhiều lĩnh vực và phạm vi thực hiện cũng rất rộng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa lưu ý: “Dự thảo luật mở rộng phạm vi không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước ta là khó khả thi. Ban soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung và Luật Biển Việt Nam”. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý: “Nếu quy định thật đầy đủ thì có lẽ phải làm hẳn Bộ luật Môi trường”. Tuy nhiên, do “ôm” quá nhiều lĩnh vực nên dự luật có nhiều chương, điều “nặng tính nghị quyết, chung chung”, ít khả thi. Ông Phan Trung Lý đề nghị, đối với một số lĩnh vực chỉ quy định trong luật này về mặt nguyên tắc, còn có thể xây dựng luật riêng (như về biến đổi khí hậu). Mặt khác do “đụng” rất sát sườn với 14 - 15 luật khác, nên ban soạn thảo cần rà soát lại để có sự điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, luật này chính là một trong những cơ chế đảm bảo để con người được sống trong môi trường trong lành. Một tồn tại lớn trong bảo vệ môi trường hiện nay là chế độ trách nhiệm. “Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm. Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản… không tốt, dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ xử lý thế nào chưa rõ. Anh cấp phép lung tung để người ta phá hoại môi trường thì trách nhiệm thế nào? Những vi phạm thấy rõ mà anh không chịu giải quyết thì trách nhiệm của anh đến đâu?”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Kỷ luật tài chính vẫn chưa nghiêm
Thẩm tra sơ bộ báo cáo, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhận định, công tác này đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm 2013, nhìn chung kỷ cương, kỷ luật tài chính, minh bạch hóa chi tiêu của ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư công được nâng lên. Trong sử dụng NSNN đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí. Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng... Tuy vậy, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau.
Qua thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặc biệt lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành NSNN. Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỷ đồng.
Tổn thất lãng phí là bao nhiêu?
Thẳng thắn nhận xét rằng “cách làm báo cáo theo kiểu chung chung như thế này không khiến cho ĐBQH quan tâm, ý nghĩa cảnh báo, nhắc nhở sẽ không cao”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi: “Tình hình năm nay so với năm trước có gì khác? Cơ quan địa phương nào yếu kém vẫn không rõ; các dự án dàn trải đã chỉ ra những năm trước đã xử lý đến đâu?”.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Tình hình thực tế vẫn khá phức tạp. Lãng phí đi liền với tham nhũng, mà tình hình tham nhũng được nhìn nhận là còn tinh vi, phức tạp thì việc đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải chừng mực, khách quan”. Dẫn chứng ra nhiều dự án đầu tư dang dở, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là sự trì trệ trong giải phóng mặt bằng, như dự án cầu Nhật Tân, dự án đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội, ông Huỳnh Ngọc Sơn bình luận: “Như thế thì chưa thể nói là đã đặc biệt quan tâm, quyết liệt chỉ đạo hay đạt được kết quả quan trọng được!”.
Thể hiện thái độ rất bức xúc với tình trạng lãng phí xảy ra trong nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói, dù có những địa phương đã thực hành tiết kiệm khá tốt trong việc xây dựng trụ sở, mua sắm xe công, nhưng cũng có những tỉnh xây dựng trụ sở, kể cả trụ sở của cơ quan Đảng, rất lãng phí. “Đất rộng mênh mông như công viên, trụ sở như... cung điện. Tiền dân mà đem xây lộng lẫy như thế có cần thiết không” - ông Phước xót xa. Vẫn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, con số tiết kiệm được thì đã được nêu, dù chưa đầy đủ, nhưng những tổn thất lãng phí như thế nào thì chưa được lượng hóa và đánh giá đúng mức. Đó là chưa kể những lãng phí vô hình về nhân lực, tài nguyên...
Theo dự kiến, báo cáo của Chính phủ về vấn đề này sẽ được gửi đến từng vị ĐBQH để cung cấp thông tin, nhưng sẽ không được trình bày trực tiếp tại kỳ họp QH sắp khai mạc vào tháng 10 tới. Cũng trong buổi chiều
19-9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một trong số những giải pháp từ nay đến cuối năm là tăng cường thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên, tập trung vào một số lĩnh vực, như quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động tín dụng, ngân hàng; công tác quản lý, thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn của Nhà nước; việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, tổ chức sử dụng tiền, tài sản nhà nước. Đặc biệt, sẽ công bố công khai đối với những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. (Trích Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) |
ANH PHƯƠNG - ANH THƯ