Đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ, và các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Tiếp đó, đoàn tới đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn; bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cùng ngày, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, TP Hà Nội… cũng đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Sáng cùng ngày, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Người (19-5-1890 - 19-5-2019) và 108 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2019) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TPHCM (quận 4). Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Ngay sau lễ, đoàn đại biểu TPHCM đã tham quan, tìm hiểu hình ảnh, tư liệu và hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác với chủ đề “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp” được trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng. Đoàn đại biểu TPHCM cũng đã dâng hoa tưởng nhớ Bác tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ, quận 1).
Ngày 19-5, chương trình giao lưu “Hành trình 20 năm bộ sách Di sản Hồ Chí Minh” do Thành đoàn TPHCM, Sở Thông tin - Truyền thông và Đường sách TPHCM phối hợp tổ chức, diễn ra tại Đường sách TPHCM. Vào năm 1999, Thành đoàn TPHCM và NXB Trẻ cùng khởi xướng thực hiện bộ sách “30 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đến năm 2008, bộ sách được đổi tên thành “Di sản Hồ Chí Minh”. Trong vòng 20 năm, bộ sách đã lần lượt xuất bản 51 tựa sách, với 411.100 bản in. Trong đó có những tựa sách được tái bản nhiều lần như: Hỏi & đáp về Cuộc đời & sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (18.000 bản); Bác Hồ viết Di chúc (18.000 bản); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu (18.000 bản); Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (18.000 bản); Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (20.000 bản); Sửa đổi lối làm việc (20.000 bản); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (28.000 bản). HỒ SƠN |
Ngày 19-5, hội thảo khoa học quốc gia phiên toàn thể “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Trung ương Đoàn TNCSHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, giúp thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị cốt lõi của bản Di chúc, khẳng định sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, đồng thời tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai của Đoàn TNCSHCM trong thực hiện Di chúc của Người và đề ra các giải pháp bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ trong thời gian tới. Các ý kiến tham luận đều cho rằng, cần có những cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ các tài năng trẻ, tạo các phong trào hành động thiết thực để cán bộ trẻ có cơ hội thể hiện năng lực bản thân, phát huy được tinh thần xung kích, tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, trưởng thành. Đảng luôn đặt niềm tin vào thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đặt thanh niên vào vị trí trung tâm của chiến lược bồi dưỡng con người. Thực hiện chiến lược trồng người theo Di chúc của Bác, Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền đã và đang tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho tuổi trẻ học tập, lao động, cống hiến để phát triển toàn diện thể lực và trí tuệ, có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, đi đầu trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chiều 19-5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức lễ phát động “Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2019 và cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe”. Hành trình năm nay có chủ đề “Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì một Việt Nam khỏe mạnh” với 20.000 thầy thuốc trẻ tham gia khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí 300.000 người dân; mổ mắt miễn phí 1.000 người cao tuổi...
Ngày 19-5, hơn 100 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu các cơ sở Đoàn trực thuộc Cụm Hành chính - Sự nghiệp Thành đoàn TPHCM đã tham gia Hành trình Thành phố tôi yêu năm 2019 với chủ đề “Hành trình theo chân Bác”.
“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” Tối 19-5 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (ảnh). Chương trình ca múa nhạc tổng hợp được dàn dựng hình thức sân khấu hóa, gồm 4 phần. Phần 1 chủ đề “Hồ Chí Minh - Người đi tìm hình của đất nước”, khái quát quá trình bôn ba tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Phần 2 “Hồ Chí Minh - Vầng thái dương của dân tộc Việt Nam” thể hiện những giá trị thiêng liêng của Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cách đây 50 năm. Phần 3 chủ đề “Hồ Chí Minh - Sáng mãi tên Người” là hình ảnh nhân dân miền Nam luôn in đậm trong trái tim của Bác, miền Nam luôn hướng về Người với nhớ mong da diết. Hình ảnh của Bác đã trở thành biểu tượng của ý chí, khát vọng độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Phần 4 “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, thể hiện trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM nguyện đoàn kết một lòng đi theo con đường Bác Hồ đã chọn để phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo; đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, vì cả nước, cùng cả nước, xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình - xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại. MINH AN |