Lãnh đạo TPHCM viếng Giáo sư - NGND Hoàng Như Mai

Ngày 29-9, tại Nhà Tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM), tang lễ Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai được cử hành.
Lãnh đạo TPHCM viếng Giáo sư - NGND Hoàng Như Mai

(SGGP).- Ngày 29-9, tại Nhà Tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM), tang lễ Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai được cử hành.

Đến viếng Giáo sư có đoàn của Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn; đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm trưởng đoàn; đoàn các cơ quan, trường học nơi Giáo sư đã từng công tác; cùng hàng trăm lượt bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học sinh…

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình… đã gửi vòng hoa đến viếng và chia buồn cùng gia đình Giáo sư Hoàng Như Mai.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo TPHCM chia buồn với gia đình Giáo sư Hoàng Như Mai.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo TPHCM chia buồn với gia đình Giáo sư Hoàng Như Mai.

Trong niềm tiếc thương sâu sắc, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải ghi vào sổ tang: “Một người Thầy suốt đời cống hiến trí tuệ, tâm huyết, nêu cao đạo đức nhà giáo, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đã dành hết tâm hồn, sức lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục… Cuộc đời của thầy luôn là tấm gương sáng về sự tận tụy với sự nghiệp cao quý, tình yêu thương học trò, con người trách nhiệm với xã hội”.

TƯỜNG HÂN


Nhớ thầy Hoàng Như Mai!

Hôm nay, trong dòng người đến viếng, trong những tràng hoa gửi đến tiễn đưa thầy có nhiều nhà lãnh đạo, nhiều tên tuổi, nhiều đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò của thầy trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Học trò của thầy đông, có nhiều người nên danh phận, nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà giáo, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… Gần 70 năm đứng trên bục giảng, thầy đã dạy từ các lớp tiểu học cho tới đại học, sau đại học. Cả một cuộc đời cần mẫn gieo hạt, vun trồng… Chỉ biết dồn tất cả công sức, tâm can cho sự nghiệp trồng người, mà đối với thầy dường như còn chưa thỏa, vẫn muốn cho, muốn hiến nhiều hơn.

Thầy là mãi mãi

Kính dâng hương hồn
GS-NGND Hoàng Như Mai

Thế là thầy đã ra đi
Nhớ thương, thương nhớ biết khi nào dừng…
Nhớ thầy nhớ những mùa đông
Lời thầy giảng ấm cả vùng non cao
Nhớ thầy nhớ những trưa nào
Tình thầy mát cả gió Lào nồng oi!
Trọn đời tâm huyết trồng người
Thầy là mãi mãi khoảng trời trong veo

NGUYỄN NGỌC KÝ

Thầy đã nêu tấm gương sáng đẹp về nhân cách, về lý tưởng sống. Không phải là đảng viên nhưng sống và hành xử như những người cộng sản. Sẵn sàng đi theo tiếng gọi cứu nước, tạm biệt Hà Nội, lên chiến khu, vào Nam ra Bắc, sẵn sàng đi tù, sẵn sàng dâng hiến. Trong cuộc sống, thầy luôn cho rằng mình ít có nhu cầu cá nhân, luôn học tập rèn luyện và có sức chịu đựng, thích ứng với mọi hoàn cảnh. Theo thầy, nhân cách con người là quan trọng, giữ được nhân cách thì mới làm được cái gì cho xã hội.

Thầy là con người đức độ, thủy chung. Các thầy cô làm việc cùng đã có chung nhận xét: trong các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, học trò, thầy Mai luôn đối xử có tình. Trong đó, thầy luôn quan tâm và đặc biệt yêu quý lớp người trẻ tuổi. Những năm 1980, lúc thầy mới vào thành phố, thầy vẫn thường đi nói chuyện cho thanh niên nghe về thơ Bác Hồ, về tấm gương đạo đức của Bác, về lý tưởng thanh niên.

Thầy là một con người tài năng. Không chỉ dạy học mà còn viết sách - hàng chục đầu sách, viết báo - hàng ngàn bài báo, làm thơ, viết kịch, diễn kịch… Bộ giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại từ năm 1945 - 1960 có tính đột phá, có giá trị cho nghiên cứu, giảng dạy. Thầy không nhận mình là một nhà nghiên cứu bởi theo thầy nghiên cứu phải có khoảng cách nhất định đối với thời đại, thầy nhận mình là một nhà sáng tác. Và trong thực tế thầy đã sáng tác nhiều, những sáng tác có tầm triết lý, phóng khoáng, hiện đại. Lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn, hơn hết là tấm lòng, là cái tình, tấm chân tình của một người thầy, của một nhà văn hóa.

Chúng tôi may mắn được học thầy Hoàng Như Mai, thầy Lê Trí Viễn… những người thầy thuộc “thế hệ vàng” ở chương trình đại học và cao học về Văn học Việt Nam. Các thầy đã dạy văn học với niềm say mê, nhiệt huyết, khơi gợi những cảm hứng sáng tạo, làm bật lên cái đẹp, cái tinh túy, hồn cốt của văn học, của ngôn ngữ Việt. Cho đến bây giờ, các học trò vẫn nhớ các thầy lên lớp với một hình ảnh, một phong thái vững chãi, tinh anh, với giọng đọc diễn cảm, sang trọng, với tất cả những gửi gắm phải tiếp biến những cái hay, cái đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như của nhân loại.

Với thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hoàng Như Mai đã có nhiều năm gắn bó và đóng góp cho sự phát triển, nhất là ở lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Thầy là một trong những người tiên phong thực hiện xã hội hóa giáo dục và bao giờ thầy cũng chăm chút để có những sản phẩm có ích.

Nhân cách, đức độ, tài năng, sự cao quý của người thầy đã gắn liền với tên tuổi của GS-NGND Hoàng Như Mai. Xin bày tỏ sự kính trọng và biết ơn thầy. Xin cầu mong thầy ra đi thanh thản.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục