Lạnh lẽo tình thâm

Mẹ mất sớm, cha đi bộ đội, tuổi thơ mấy chị em S. quây quần bên ông bà nội. Lớn lên mỗi người có tổ ấm riêng nhưng vẫn sống cùng ông bà nội để phụng dưỡng. Trong phút chốc, tình máu mủ thiêng liêng bỗng dưng nguội lạnh chỉ vì ngôi nhà và mảnh đất vô tri.

Một ngày giữa tháng 7-2013, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử một vụ tranh chấp thừa kế. Trớ trêu thay, nguyên đơn với hai vai trò vừa là con trai vừa là em trai, còn phía bị đơn là cha ruột và người chị gái. Tài sản họ tranh chấp là căn nhà và mảnh đất do ông bà để lại, đó cũng là nơi chị em họ lưu giấu biết bao kỷ niệm đẹp từ thuở ấu thơ.

1. Hai cụ L.V.T. và cụ N.T.T. có ba người con, hai người con gái và ông L.T.L. Ông L. (hiện đang cư trú tại Mỹ) có ba người con, L.T.P., L.H.K. đã xuất gia theo Phật và L.B.S. Ngày 11-12-1991, hai cụ L.V.T. và N.T.T. lập di chúc với nội dung: Sau khi qua đời, để lại căn nhà và đất tại số 62 Nguyễn Hữu Cảnh (nay là số 66 Nguyễn Hữu Cảnh), thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang làm nơi thờ phụng, cúng giỗ ông bà tổ tiên cho cháu nội là L.B.S. (con trai út của ông L.). Anh S. được ở, quản lý gìn giữ căn nhà, chỉ được sửa chữa nếu căn nhà bị hư hỏng và không được chuyển nhượng; anh S. có trách nhiệm nuôi dưỡng hai người cô; cho vợ chồng chị gái của anh S. tạm trú chung trong nhà. Tháng 3-2012, anh S. khởi kiện yêu cầu được thừa hưởng di sản, sở hữu toàn bộ nhà và đất theo di chúc của ông bà để lại.

Thấy con trai không làm theo di chúc, vừa không chịu nuôi dưỡng hai cô, tới ngày giỗ không cúng, nhà hư không sửa, vợ anh S. lại có ý định bán nhà sau khi hợp thức hóa giấy tờ, anh S. hiện bị tai biến liệt nửa người phải có người chăm sóc, không thể tự quản lý nhà và đất được nên ông L. có đơn phản tố yêu cầu thay đổi người quản lý di sản trên, để cho chị ruột của anh S. là chị P. quản lý.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang đã tuyên giao di sản là căn nhà và đất tại địa chỉ trên cho L.T.P. (chị ruột S.) quản lý. Vợ chồng anh S. vẫn được ở lại trong căn nhà.

2. Không đồng ý với nội dung tuyên của tòa án cấp sơ thẩm, vợ chồng anh S. kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM. Trước khi phiên phúc thẩm bắt đầu, anh S. ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn, bên cạnh là vợ và con gái. Thỉnh thoảng S. lén nhìn sang hàng ghế bên tay trái mình nơi có cha và chị gái đang ngồi. Đôi bên chỉ lặng lẽ nhìn nhau, không nói lời nào. Khoảng cách giữa họ chỉ cách nhau vài bước chân nhưng có cảm giác xa lạ vô cùng, tình máu mủ rạn nứt từ khi nào không hay.

Vợ anh S. thay chồng trình bày trước tòa rằng chồng bị bệnh, chị chồng chiếm mặt bằng không cho khai thác kiếm tiền nuôi bà cô và thuốc chữa trị. Khi chồng chị bị tai biến vào năm 2006, chính chị là người chăm sóc dù cha chồng có đưa tiền để chữa trị do lúc đó chị làm ăn thất bại và đang thiếu nợ. Vợ anh S. đề nghị để chồng chị được thực hiện đúng như bản di chúc ông bà nội để lại, vợ chồng chị cam đoan thực hiện theo di chúc, không bán căn nhà, sẽ lập thành phủ thờ ông bà lâu dài.

Nghe em dâu trình bày, người chị gái bức xúc cho biết: Tại thời điểm đó, anh S. đang bị bệnh nên không thể chăm sóc hai người cô, vợ anh S. không có ở nhà, chị phải chăm sóc em trai mình. Người cha cũng nhẹ nhàng trình bày: Con dâu bỏ nhà đi 3 năm từ năm 2003 đến năm 2005, con trai do ông nuôi, nhà cũng do ông bỏ tiền tu sửa. Do vợ S. kêu bán nhà nên ông ngăn chặn và sự việc diễn biến đến ngày hôm nay. Ông nói từng lời từng chữ như nghẹn lại, mắt ông rơm rớm nước mắt nhìn về đứa con trai duy nhất của mình.

Lúc này vị chủ tọa phiên tòa mới phân tích: việc vợ chồng anh S. đề nghị được sở hữu tài sản trên là không đúng vì theo di chúc thì anh S. chỉ có quyền quản lý, tu sửa và thờ cúng ông bà tổ tiên. Nếu muốn đứng tên quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng mảnh đất trên phải có sự thỏa thuận của những người đồng thừa kế. Vợ anh S. có ý định bán nhà là trái với di chúc và không đúng pháp luật. Xét thấy quyền lợi của anh S. đã được thực hiện (S. ở trong căn nhà và thu tiền từ việc cho thuê mặt bằng) trong khi bản thân anh chưa thực hiện được nghĩa vụ như trong di chúc để lại; anh S. lại đang bị bệnh, không thể tự quản lý được di sản nên tòa án cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của vợ chồng S.

Phiên tòa khép lại, mọi người lục đục ra về. Vợ anh S. vừa đẩy chồng trên xe lăn vừa nói vọng lại: “Thôi về cả nhà dọn ra ngoài ở, chứ ở trong đó sao mà chịu được”. Những câu nói của chị văng vẳng lại phía sau, như cố tình để cho cha và chị chồng nghe thấy. Bi kịch dường như vẫn chưa kết thúc!

LÊ THANH

Tin cùng chuyên mục