Những ngày qua, đến bệnh viện hay bất kỳ nhà thuốc nào, có thể dễ dàng chứng kiến được người bệnh kêu than vì gần như không còn khả năng mua thuốc, chứng kiến nhiều người móc đến đồng tiền cuối cùng để thanh toán cho toa thuốc mà họ nói rằng chẳng khác nào “giá treo cổ”. Những ngày qua, đó là khoảng thời gian mà từ bệnh nhân đến thầy thuốc hay người quản lý đều bất lực trước việc giá thuốc tăng đến chóng mặt.
Không ít người rơi nước mắt trước cảnh ngộ những bệnh nhân “xin được về nhà tự điều trị” vì không còn tiền chi trả thuốc thang, hay như một bệnh nhân cầm toa thuốc đi lòng vòng cả một ngày trời mà không thể mua nổi 3 loại thuốc mà bác sĩ đã kê cho, bởi giá đã tăng gấp 3 lần.
Trong khi đó, bên ngoài thị trường dược phẩm, giá thuốc vẫn lạnh lùng “chạy” theo giá USD, giá vàng. Các đầu nậu kinh doanh thuốc liên tục bảo nhau hãy thu gom và găm hàng để “cướp” lấy thời cơ… tăng giá. Ngậm ngùi thay, họ đang cướp thời cơ và vô hình trung cũng đang cướp đi cơ hội sống của bao nhiêu người.
Ở đây, xin không đề cập đến vấn đề quản lý giá thuốc bởi trên thực tế có quá nhiều lỗ hổng trong công tác này. Và không phải đến giờ người bệnh mới than trời vì giá thuốc cao mà đã bức xúc từ nhiều năm qua.
Nhưng những bức xúc ấy đã trở thành cao trào khi giá thuốc tăng đột biến đến mức không người dân nào chịu nổi. Dư luận, báo chí, các chuyên gia cũng đã hết lời ta thán về những bất cập, nghịch lý trong cung cách quản lý giá thuốc lâu nay. Dù rằng, cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực kiểm soát giá thuốc, song sự nỗ lực ấy chưa đem lại kết quả như mong đợi. Trong đó, phải nói đến lương tâm của những nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng “tận dụng” người bệnh bằng tất cả những thủ đoạn mà họ nghĩ ra được, thậm chí qua mặt cả cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, họ “liên doanh ma quỷ” để viên thuốc đáng giá chỉ 1 đồng thì đến tay người bệnh tăng lên 10 đồng. Cái lý của kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận. Vâng! Nhưng hãy nghĩ rằng đó không phải là tất cả, ít ra đó là thuốc chữa bệnh cho con người. Đó là hàng hóa, nhưng nó là hàng hóa đặc biệt: để cứu người.
Những danh y dạy rằng cứu người là bổn phận của người thầy thuốc, của người bán thuốc chứ không phải góp phần đẩy người bệnh đến chỗ quằn quại với bệnh tật. Tin rằng, không thể người thầy thuốc hay người kinh doanh thuốc nào không biết lời thề linh thiêng của đức danh y Hippocrates, vì trước khi được làm nghề, họ vinh dự được thề, trong khi làm nghề, họ cũng buộc phải gắn kết với lời thề thiêng liêng ấy: hãy đặt lương tâm vì người bệnh lên tất cả trước khi hành nghề y - dược.
Hãy đọc lại lời thề của Hippocrates để cảm thông cho bao người bệnh đang oằn mình trong cơn “bão” giá thuốc: “…Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ, cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai; Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết; Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại…”.
Thế nhưng, với những gì đang diễn ra hiện nay thì…
Tường Lâm