Lao động nhí ở “công trường”

Lao động nhí ở “công trường”

Sau một ngày vất vả ở công trình xây dựng, các lao động nhí ăn vội cái gì đó lót dạ để lấy sức tiếp tục công việc ở “công trường” khác. Một đám trẻ hơn chục đứa xô đẩy nhau chạy theo chiếc xe ben bất chấp nguy hiểm. Tiếng xe phanh gấp nghe rợn người cũng là lúc bọn trẻ đã đứng chật cứng xung quanh. Không rời nửa bước, đám trẻ vây lấy từng mảng bê tông.

Lao động “nhí”

Lao động nhí ở “công trường” ảnh 1

Tranh giành phế liệu

Cha mẹ làm thuê không đủ ăn, con cái nheo nhóc cũng lần lượt theo cha mẹ ra công trường. Mưa rả rích. Dưới cái rét run người, chúng tôi gặp các em tại khu đất đang xây dựng thuộc phường Tân Hưng (quận 7). Tò mò hỏi thì được biết xe tải, xe ben chở bê tông đúc sẵn nhưng còn thừa, bị cắt và chở ra đây bỏ. Công việc của các em là đập những khối bê tông ấy, có khối nặng hơn 500kg để lấy sắt bán.

Không chỉ thế, các em còn phải đào bới ở những đống xà bần để tìm ve chai. “Sao không làm ban ngày mà phải làm đêm?”, tôi hỏi. Hùng, 13 tuổi quê ở Bạc Liêu, cho biết: “Khoảng 20g xe mới đến nhưng phải đến từ sớm nếu không sẽ không còn gì”.

Trước khi tôi đến, các em đã “xử” xong khoảng 4m cừ bê tông và kiếm được hơn chục ký sắt. Phần lớn các em đến từ các tỉnh miền Bắc, gia đình nghèo, bỏ học. Tận mắt chứng kiến cảnh một đứa trẻ 14 tuổi, đen đúa đang quai búa nhịp nhàng đập khối bê tông to gấp hai lần thân hình của em, mà xót xa.

Anh tài xế xe chở đất, xà bần và bê tông thừa cho biết: “Thằng nhóc đó coi ốm yếu chứ nó “hái” tiền nhiều nhất ở đây đó. Tụi kia to mập chứ thấy khối bê tông lớn hay bùn đất là... dội liền hà”. Tại “công trường” này cũng có người chuyên thu mua sắt vụn tại chỗ với giá thấp hơn bên ngoài. Sao không mang ra ngoài bán? Một cậu bé bĩu môi, nói: “Mang ra ngoài thì khỏi vào đây luôn?”.

Không thể kể hết những hiểm họa đang rình rập các em. Chiếc đèn pin không thể giúp các em tránh được những ống kim tiêm, chai thủy tinh vỡ. Chuyện giẫm phải miểng chai, vết thương nhiễm trùng khiến chân sưng tấy là chuyện thường ngày.
 
Tìm chữ, có dễ?

Thằng nhóc nói trên là Phương 13 tuổi, quê ở Ninh Thuận. Phương kể: “Trung bình mỗi đêm, cha con em kiếm được 60.000đ. Hôm nào trúng đậm thì không nói gì, chứ đi mà về tay không là coi như hẻo”. Khi hỏi về chuyện học hành, Phương tâm sự: “Nhà em nghèo lắm làm sao dám nghĩ đến chuyện học”.

Còn Chí, 14 tuổi, trước đây phụ người quen trong xóm phân loại ve chai nhưng vì bà chủ trả lương thấp lại bắt ép làm nhiều giờ, chịu không nổi nên em bỏ ra ngoài làm nghề này. Nhà Chí có 4 anh em, Chí là con lớn trong gia đình có cha nghiện rượu, mẹ theo chồng khác từ khi đứa em út vừa lên 3. Mấy anh em chia nhau về ở với nội, ngoại chẳng có ai được học hành gì.

Vừa nói chuyện vừa nhai bánh mì, nghe tiếng động cơ xe ben vào, bỏ dở ổ bánh mì, Chí chạy ra giành từng khối bê tông. Dăm phút sau, giành không được khối nào, Chí bước vào không nói lời nào buồn thiu, chẳng buồn ăn.

23g, cả khu vực như nhộn nhịp hơn trước đó. Bọn trẻ từ các nơi kéo về đông hơn, thì ra có hai chiếc xe đang trên đường về “bến”. Có “làm ăn” được hay không là ở thời điểm này đây, một đứa trẻ buông một câu như thế rồi xách “đồ nghề” chạy ra đứng chờ sẵn. Không phải xe chở cừ bê tông như các chuyến trước, chỉ toàn xà bần. Hơn chục đứa trẻ hì hục đào bới, từng mảnh sắt vụn được nhặt lên.
 
Có hai đứa trẻ ốm yếu, nheo nhóc ngồi co rút lại ở công trường. Hỏi thì được biết đó là hai đứa con của vợ chồng anh Phú Cường. Đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ cũng vừa lên 3. Chị Thúy, vợ anh Cường ràn rụa nước mắt tâm sự: “Cháu lớn vào lớp 1 nhưng chỉ được vài tháng thì bà ngoại mất. Nhà đơn chiếc, chúng tôi đưa chúng vào đây”.

Chúng tôi vào một khu nhà trọ tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, hầu hết các phòng trọ chỉ toàn là người già và con nít. Hỏi thăm bà chủ nhà trọ thì được biết trong 5 phòng trọ của bà có đến chục đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học.

Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được đến trường. Vừa nói, bà chỉ tay về góc sân, nơi những đứa trẻ đang chơi trò chơi rất “nhà quê”: “Nói thì nói vậy chứ cha mẹ nào muốn con mình phải thất học đâu, lo cái ăn chưa xong mà”.

TRỌNG TRI

Tin cùng chuyên mục