Lao động xuất khẩu bị “quỵt” lương

Những tưởng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Algeria sẽ tích cóp được ít tiền gửi về quê để trả nợ, trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình và lo cho các con ăn học. Nhưng làm việc chưa bao lâu thì một số lao động quê ở tỉnh Hà Tĩnh phải trở về nước trước thời hạn do tình trạng nợ lương kéo dài...
Lao động xuất khẩu bị “quỵt” lương

Những tưởng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Algeria sẽ tích cóp được ít tiền gửi về quê để trả nợ, trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình và lo cho các con ăn học. Nhưng làm việc chưa bao lâu thì một số lao động quê ở tỉnh Hà Tĩnh phải trở về nước trước thời hạn do tình trạng nợ lương kéo dài...

Nợ lương, mất an toàn lao động

Tiếp xúc với chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 ở cuối xóm 3, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, anh Đậu Bá Cường (41 tuổi, vừa trở về từ Algeria) cho biết, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, đông con, cuộc sống phụ thuộc vào hơn 5 sào ruộng lúa nên khá túng thiếu. Tháng 8-2015, anh Cường vay mượn anh em, bạn bè được gần 50 triệu đồng, sau đó cùng một số người ở xã Cẩm Minh thông qua đơn vị môi giới là Công ty TNHH Biên Dương (ở xóm 1, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) ký hợp đồng với Công ty CP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (gọi tắt Công ty Vinaconex, ở Hà Nội) đi XKLĐ tại Algeria với chi phí 47 triệu đồng/người, thời hạn làm thợ xây dựng 2 năm, thời gian làm việc 10 giờ/ngày, 26 ngày/tháng, nhận lương 560USD/tháng. Trong 3 tháng đầu làm việc, chủ sử dụng lao động sẽ giữ lại 200USD/người/tháng… Số tiền đặt cọc này sẽ thanh toán lại cho người lao động khi kết thúc hợp đồng trở về nước.

Anh Cường phản ánh: “Ban đầu chúng tôi tin tưởng sẽ làm việc đúng như hợp đồng đã ký. Làm được 10 tháng đầu thì chủ có trả lương (mặc dù người lao động phải đình công nhiều lần thì chủ mới trả hết 10 tháng lương - PV), nhưng từ tháng thứ 11 trở đi họ bắt đầu nợ lương, làm thêm 15 ngày của tháng 12 nữa họ cũng nợ lương không chịu trả, người lao động nhiều lần khiếu nại, đình công nhưng không có kết quả. Uất ức quá nên chúng tôi quyết định làm đơn chấm dứt hợp đồng trở về nước trước thời hạn”. Theo anh Cường, không chỉ bị nợ lương kéo dài mà còn phải làm công đến 29 ngày/tháng. Ngoài ra, khi đau ốm, bệnh tật sẽ được công ty chăm sóc, mỗi tháng được kiểm tra sức khỏe một lần nhưng khi sang Algeria lúc bị bệnh thì người lao động phải tự bỏ tiền thuê xe taxi đi bệnh viện chứ công ty không quan tâm. Còn môi trường làm việc không an toàn, băng nhóm trộm cướp ngang nhiên ra vào công trường, dùng hung khí cướp máy móc, vật liệu xây dựng... bảo vệ cũng bất lực, công nhân bị đe dọa. Người lao động gọi điện về Công ty Vinaconex phản ánh nhưng không ai nghe máy. “Đợt tôi XKLĐ sang Algeria có 12 người nhưng một số người phải viết đơn xin về nước trước thời hạn. Việc về nước trước thời hạn này hoàn toàn là do bị nợ lương kéo dài và môi trường lao động không an toàn, chứ người lao động không vi phạm gì cả…”, anh Cường khẳng định.

Tương tự, tháng 8-2015, anh Nguyễn Khâm Sử (39 tuổi, ở xóm 3, xã Cẩm Minh) cũng thông qua Công ty TNHH Biên Dương ký hợp đồng với Công ty Vinaconex XKLĐ sang Algeria làm việc 2 năm và cũng bị chủ sử dụng lao động giữ lại 600USD tiền lương 3 tháng đầu, cũng bị nợ lương kéo dài 45 ngày không trả, môi trường làm việc không an toàn, không được chăm sóc sức khỏe như cam kết…

Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Hường (30 tuổi, vợ anh Sử) bức xúc, trước khi XKLĐ sang Algeria, Công ty TNHH Biên Dương do ông Nguyễn Tiến Dung làm giám đốc có cam kết, nếu trường hợp Công ty Vinaconex giữ 600USD tiền lương 3 tháng đầu của lao động trong quá trình làm việc tại Algeria, khi lao động về nước, công ty sẽ có trách nhiệm lấy số tiền trên về hoàn trả cho lao động. Tuy nhiên, sau khi về nước, chồng tôi và anh Cường không được hoàn trả đồng nào, khi tìm đến công ty để đòi lại số tiền 600USD và tiền 45 ngày công thì ông Dung tìm mọi cách thoái thác…

Còn anh Cường cho biết, khi trực tiếp vào công ty của ông Dung ở xã Kỳ Đồng để đòi lại số tiền mồ hôi nước mắt nhưng ông Dung nói: “Chúng tôi làm theo Công ty Vinaconex, các anh có muốn kiện cáo hoặc mời công an làm việc thì tùy các anh thôi”.

Công ty TNHH Biên Dương ở xóm 1, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh làm môi giới đưa các lao động Cường, Sự... ký hợp đồng đi XKLĐ sang Algeria

Đòi lại tiền cho người lao động?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Tiến Dung, Giám đốc Công ty TNHH Biên Dương, cho biết: “Ngay sau khi một số lao động như anh Cường, anh Sử… trở về nước có tìm đến gặp tôi phản ánh về việc bị nợ lương kéo dài, về môi trường lao động… nên buộc phải về nước trước thời hạn và muốn nhận lại tiền bảo lãnh cùng tiền lương. Qua làm việc với Công ty Vinaconex, phía chủ sử dụng lao động ở Algeria cam kết sẽ chuyển tiền lương 45 ngày công và tiền bảo lãnh trả lại đầy đủ cho mỗi lao động. Do anh Cường và anh Sử mới về nước từ đầu tháng 8-2016, nên theo quy định cần phải chờ thêm thời gian nữa, dự kiến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10, phía chủ sử dụng lao động sẽ chuyển tiền về”.

Trong khi đó anh Đậu Bá Cường và chị Bùi Thị Hường lại tỏ ra nghi ngờ: “Có thể đây là cách hứa bâng quơ của ông Dung để cho qua chuyện, chứ chúng tôi khó tin vào những lời ông ấy hứa lắm”.

 Nhiều lao động tử vong tại Angola

Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cho biết, anh Trần Đình Sáu (48 tuổi, quê quán tỉnh Quảng Bình) vừa bị cướp đâm trọng thương, cấp cứu tại Bệnh viện Josina Machel, Maianga, Luanda, Angola nhưng đã tử vong lúc 5 giờ ngày 24-8-2016.

Trước đó, lúc 3 giờ ngày 3-3-2016, anh Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi, quê quán tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cũng tử vong tại Luanda, Angola, do bị cướp đánh; anh Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi, quê quán xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) tử vong lúc 16 giờ ngày 5-3-2016 do bị cướp bắn tại tỉnh Uige, Angola; lúc 11 giờ 30 ngày 7-1-2016 anh Phan Văn Duy (31 tuổi, quê quán tại Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bị cướp đánh chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong tại Lubango, tỉnh Huila, Angola…

Được biết, từ năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm lao động quê ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam không may bị tử vong tại Angola do bị sốt rét ác tính, tai nạn, bị cướp sát hại… Người lao động từ Việt Nam đi sang Angola chủ yếu theo đường XKLĐ “chui” với chi phí khoảng 6.500 - 7.000 USD/người. Khi không may bị nạn thì gia đình phải tự chịu hậu quả. Đặc biệt, chi phí để đưa thi thể về Việt Nam tốn hàng trăm triệu đồng.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục