Lập lại kỷ cương đường phố

Năm 2013 đang bước vào những tháng cuối cùng. Cuối năm cũng là thời điểm của nhiều lễ hội lớn, đồng nghĩa vấn đề đảm bảo an toàn giao thông càng trở nên bức thiết hơn. Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, về những vấn đề liên quan.
Lập lại kỷ cương đường phố

Đảm bảo ATGT dịp cuối năm

Năm 2013 đang bước vào những tháng cuối cùng. Cuối năm cũng là thời điểm của nhiều lễ hội lớn, đồng nghĩa vấn đề đảm bảo an toàn giao thông càng trở nên bức thiết hơn. Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, về những vấn đề liên quan.

Một bãi giữ xe chiếm dụng vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Ảnh: CAO MINH

Một bãi giữ xe chiếm dụng vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Ảnh: CAO MINH

Kết quả chưa mang tính bền vững

- Phóng viên: Ông có nhận xét gì về tình hình trật tự ATGT tại TPHCM từ đầu năm đến nay?

>> Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Nói một cách tổng quát, từ đầu năm đến nay vấn đề tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm trên cả 3 mặt. Cụ thể, đến thời gian này trên địa bàn thành phố đã kéo giảm hàng trăm vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cũng kéo giảm số người chết và bị thương. Một điểm đáng mừng khác nữa là không xảy ra tai nạn giao thông nào đặc biệt nghiêm trọng cũng như không xảy ra nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, không còn tình trạng đua xe trái phép, mặc dù còn xảy ra 3 tốp tụ tập thành đoàn chạy xe gây rối trật tự công cộng. Kết quả này là nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

- Những kết quả này có thật sự căn cơ, bền vững không, thưa ông?

Thực tế cho thấy kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn chưa thật sự mang tính bền vững. Số người tử vong và bị thương do tai nạn giao thông tuy có được kéo giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao. Gần như không còn vụ ùn tắc giao thông nào kéo dài trên 30 phút xảy ra nhưng tình trạng ách tắc giao thông vẫn phổ biến, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông về đường sắt và đường thủy nội địa vẫn tiềm ẩn đầy nguy cơ, công tác quản lý trật tự lòng lề đường tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, nếu không muốn nói là còn rất phức tạp.

- Ông vừa nhắc đến trật tự lòng lề đường. Theo ông, đâu là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này?

Có thể khẳng định rằng, muốn giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, thì công tác lập lại trật tự, kỷ cương đường phố được xem là giữ vai trò hàng đầu. Nguyên tắc đặt ra là phải đảm bảo và thực hiện nghiêm chủ trương “vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện lưu thông”. Để làm được điều này, thanh tra GTVT, các khu quản lý giao thông đô thị cần phối hợp với chính quyền các quận, huyện điều chỉnh những vị trí cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, giữ xe. Các trường hợp đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè không đúng quy định cần được xử lý nghiêm. Các bến cóc, xe dù tại một số khu vực trọng điểm sẽ phải xử lý, xóa bỏ cũng như chấm dứt tình trạng xe khách liên tỉnh đi vào hoặc đi xuyên qua khu vực trung tâm thành phố. Rà soát, xem xét tính hợp lý của các trung tâm kinh doanh, siêu thị, trung tâm ngoại ngữ, trường học, tụ điểm đông người có khả năng ảnh hưởng đến trật tự ATGT để có biện pháp khắc phục.

Tập trung kiểm tra, xử lý

- Có những giải pháp nào nhằm thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm?

Có 4 nhiệm vụ trọng tâm để có thể làm tốt công tác giữ gìn trật tự ATGT trong thời gian tới. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông. Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT. Thứ ba, coi trọng và bảo đảm chất lượng, kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông. Cuối cùng là tăng cường công tác quản lý, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm.

Trên bình diện vĩ mô, các giải pháp này đều quan trọng, có giá trị hữu ích trong việc duy trì trật tự ATGT, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, mặc dù đối với cá nhân hoặc tổ chức, có thể mỗi giải pháp có tính chất “nặng, nhẹ” khác nhau. Ví dụ đối với lực lượng công an và thanh tra giao thông, hai mũi nhọn chủ lực đảm trách khâu quản lý, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ thì giải pháp thứ 4 sẽ “nặng” hơn.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật ATGT trong thời gian tới sẽ có gì mới, thưa ông?

Ban ATGT thành phố tiếp tục xem trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông và trong cộng đồng mà mục tiêu cao nhất là phải đến tận phường xã, thị trấn, khu dân cư, đặc biệt là đối tượng thanh niên vốn là diện có tỷ lệ tử vong cao do tai nạn giao thông. Bởi vì, theo nhận định của chính quyền thành phố, nhìn chung ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn kém, cá biệt có người còn xem thường kỷ cương, pháp luật.

THIỆN NHÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục