
Như đã thông tin, khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP 12 Giờ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Xứng đã chỉ ra những sai sót và thiếu chặt chẽ trong việc lập hồ sơ hiện trường ban đầu của Công an huyện Châu Đức, khiến cho vụ án phải đình chỉ điều tra vì không đủ chứng cứ buộc tội các đối tượng đã hành hung anh Trưởng. Lật lại hồ sơ ban đầu của vụ án, chúng tôi phát hiện có quá nhiều sai sót “chết người”.
Hiện trường ban đầu đã bị làm sai lệch?

Ông Nguyễn Đăng Khoa, cha nạn nhân Trưởng đến Tòa soạn SGGP 12 Giờ cung cấp tài liệu liên quan đến vụ ánẢnh: Hoài Nam
Trang 2 biên bản ghi lời khai - do Công an huyện Châu Đức lập ngày 6-2 (4 ngày sau khi vụ việc xảy ra) - có đoạn Năm Phổi (tức Huỳnh Văn Ngà, chủ quán Năm Phổi) khai: “Vì tức giận bị hai thanh niên chửi, Chữ (người làm của tôi) đã mở cửa hông chạy ra ngoài rượt họ. Trong khi Chữ ra ngoài, tôi chạy vào trong lấy chìa khóa mở cổng chính. Khoảng 2 phút sau, tôi đi ra ngoài đường thì thấy Chữ đứng cạnh chiếc xe gắn máy của hai thanh niên. Lúc nghe thấy tiếng tôi thì một người thanh niên chạy lại phía tôi và tôi đã mời vào trong quán nói chuyện. Một lát sau, tôi yêu cầu người thanh niên này đi về…”. “Lúc người thanh niên vào quán, anh thấy thương tích trên người anh ta ra sao?” – cán bộ điều tra hỏi. Năm Phổi trả lời: “Khi vào quán ngồi ở bàn đá, tôi có thấy phía sau áo người thanh niên chảy máu, nhưng rất ít. Tôi có hỏi Chữ, Chữ nói người này lúc nãy bị té xe…”.
Còn Bùi Văn Chữ khai: “Lúc người thanh niên ra khỏi quán, thấy anh ta lao xe về phía tôi, tôi có tới tát một vài cái và mời vào quán để anh Năm Phổi nói chuyện…”. Sau này, khi bị khởi tố, bắt tạm giam Chữ có khai nhận đã dùng tay đánh vào mặt Trưởng 2 cái; đồng thời dùng con dao dài 35cm, rộng 6cm đập vào phía sau vai phải Trưởng làm cho người và xe ngã xuống. Hung khí này sau đó đã không được thu giữ để làm vật chứng của vụ án.
Trong những nhân chứng chứng kiến vụ việc, có anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1957, nhà cách quán Năm Phổi hơn 100m) – là người đã cho Hồ Trung Phong (đi cùng nạn nhân Trưởng) chui xuống gầm giường trốn những trận đòn thù của Năm Phổi – khai tại cơ quan công an: “…Tôi nhìn thấy hai người làm của Năm Phổi đánh và kéo người thanh niên này về cổng quán. Lúc đó tôi thấy Năm Phổi can ra và quay ra đánh người thanh niên đó tiếp. Tôi nghe thấy tiếng người thanh niên van nài nên Năm Phổi không đánh nữa và kéo vào trong quán. Lúc đó tôi chưa thấy người thanh niên bị thương gì hết. Khoảng 10 phút sau người thanh niên đó chạy ra, tôi và nhiều người chứng kiến thấy trên người anh ta dính đầy máu…”. Một nhân chứng khác, anh Tô Hồng Trường (sinh 1981, ngụ khu phố 4, thị trấn Ngãi Giao) khai: “Tôi nghe thấy người thanh niên bị đánh van nài: Em xin đầu hàng anh Năm. Năm Phổi và người nhà vẫn đánh, trong khi người đó vẫn luôn miệng xin đầu hàng…”.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Châu Đức đã tiến hành lập hồ sơ khám nghiệm hiện trường ban đầu. Hồ sơ này đã không ghi đầy đủ lời khai của các nhân chứng, mà chỉ có người làm chứng là Nguyễn Nhựt Kim Bình (ký tên lại là Trần), Công an viên thị trấn Ngãi Giao. Việc khám nghiệm hiện trường chỉ mô phỏng lại vị trí nạn nhân nằm, chứ không xác định tình trạng nạn nhân lúc đó đã chết hay còn sống, trên người có dấu vết bị thương ra sao...
Tại trang 2, biên bản khám nghiệm hiện trường có dòng chữ: “Những dấu vết, tài liệu và mẫu vật nói trên được thu lượm, bảo quản đưa về cơ quan điều tra để nghiên cứu, xử lý”. Tuy nhiên, phần phía trên của mục này lại gạch chéo, không có dòng chữ nào thể hiện những dấu vết, mẫu vật thu giữ được từ hiện trường. Biên bản tạm giữ chiếc xe gắn máy của nạn nhân cũng được lập rất qua loa và chỉ ghi vài chữ: “Xe cũ hư hỏng nhiều”. Những điều này đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác định những vết thương trên người nạn nhân gây ra từ một cú ngã xe được nhiều nhân chứng xác nhận là rất nhẹ.
Đình chỉ điều tra vụ án vì thiếu chứng cứ (!?)
Hàng loạt những sai sót “chết người” trong quá trình thiết lập hồ sơ ban đầu đã không được cơ quan điều tra Công an huyện Châu Đức xem xét một cách cụ thể sau khi vụ án được khởi tố. Nhiều tình tiết liên quan đến hành vi hành hung nạn nhân của các đối tượng trong quán Năm Phổi đã bị bỏ qua, mặc dù quyết định khởi tố bị can Bùi Văn Chữ được xác định là tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác”.
Trong bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra chỉ hướng đến các chi tiết tại hiện trường của một vụ tai nạn giao thông và kết luận theo lời khai của các đối tượng: “Có hành hung nạn nhân nhưng không gây thương tích”. Bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ vụ án đều nói “không đủ chứng cứ”, nhận định này phải chăng đã dựa trên những sai sót, qua loa trong quá trình thiết lập hồ sơ ban đầu như chúng tôi trình bày ở trên? Nếu quả thật như vậy thì cái chết của nạn nhân Nguyễn Khoa Trưởng là quá oan ức và tội phạm đã “lọt lưới” công lý.
Hiện dư luận và người dân huyện Châu Đức đang đặt nhiều câu hỏi: “Có hay không việc làm sai lệch hồ sơ ban đầu của cơ quan điều tra dẫn đến lọt người, lọt tội? Riêng ông Nguyễn Đăng Khoa, cha nạn nhân Trưởng, trong các đơn khiếu nại khẩn cấp, đều một mực cho rằng “có vấn đề” trong quá trình điều tra vụ án. Ông đề nghị phục hồi điều tra vụ án để làm rõ những điều còn khuất tất từ hồ sơ ban đầu này.
Phạm Hoài Nam