Vụ lật thuyền làm chết 6 người trên sông Krông Nô (đoạn giáp ranh giữa xã Nâm Ndir, huyện Krông Nô, Đắc Nông và xã Ea Rbin, huyện Lắc, Đắc Lắc) trong đêm 13-3 là mất mát lớn của các gia đình nạn nhân. Và thêm một lần nữa cảnh tỉnh việc coi thường hiểm nguy trên sông nước của khách cũng như chủ thuyền.
Chèo thuyền không chuyên?
Trước đó, trưa ngày 13-3, đoàn công tác gồm 11 người của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (trụ sở tại TPHCM) do anh Nguyễn Hoàng Huyên (SN 1974, trú huyện Cư Kuin, Đắc Lắc) làm trưởng đoàn đi khảo sát địa bàn mà công ty cung cấp bắp giống cho bà con nông dân ở xã Ea R’bin (huyện Lắc, Đắc Lắc).
Ông Đinh Xuân Sơn, Phòng Kinh doanh Công ty Dekalb Việt Nam, cho biết: “Trong 11 người gặp nạn thì có 7 người (4 người chết) không phải là nhân viên của công ty chúng tôi. Họ là những kỹ sư trẻ, mới ra trường. Đây là chuyến đi thực tế đầu tiên của họ, nếu họ chấp nhận công việc thì công ty chúng tôi sẽ giới thiệu cho họ làm việc trong các công ty, đại lý mà chúng tôi cung cấp nguồn hàng”.
Ông Doãn Thế Truyền (SN 1953, trú thôn 3, xã Ea R’bin, người chèo thuyền) đưa đoàn qua sông kể lại: “Khoảng 17 giờ ngày 13-3, tôi đang tưới bắp gần bến đò thì thấy nhiều người đứng bên kia bờ gọi nhờ chở qua sông. Do chiếc thuyền của tôi nhỏ nên tôi chở 2 người sang sông trước và chuyến đầu an toàn. Khi quay lại chở tiếp, một người trong đoàn nói tôi đi mượn thuyền to để chở 9 người còn lại sang cùng một lúc. Tôi chạy đi mượn một chiếc thuyền to hơn rồi quay lại chở họ. Toàn bộ 9 người và tôi cùng qua một lúc, khi đi giữa sông có một người trong đoàn đứng dậy chụp hình, sau đó có thêm 2 người nữa đứng dậy. Khi cách bờ khoảng hơn 1m, một trong 3 người đang đứng nhảy lên phía mũi thuyền và làm nước tràn vào”.
Lúc này toàn bộ người trên thuyền đều đứng dậy, nhốn nháo làm thuyền chìm. Nước chảy xiết (do thủy điện Buôn Tua Sah đang xả nước phía đầu nguồn) nên ông Truyền cũng bị trôi theo nhóm người này hơn 100m. Sau đó, ông Trương Vĩnh Ái (đang làm vườn gần đó) đã lao xuống sông cứu được 4 người, trong đó có ông Truyền.
Theo thông tin UBND xã Nâm Ndir cho biết: Chiếc thuyền ông Truyền mượn để chở 10 người cùng một lúc khá nhỏ (chỉ đủ chở khoảng 3-4 người), trên thuyền không có áo phao và ông cũng không có bằng cấp hay giấy phép chở khách. Nhưng ông Truyền giải thích: “Tôi không phải là người chèo thuyền chuyên nghiệp nên không có giấy phép và phương tiện cứu hộ. Do nhà cạnh bến sông nên ai nhờ thì tôi chở chứ không lấy tiền”.
Nỗ lực tìm kiếm thi thể
Đến 18 giờ ngày 14-3, lực lượng chức năng và người dân huyện Krông Nô vẫn đang tìm kiếm 3 nạn nhân còn đang mất tích. Mặc dù đã mệt lử vì tham gia tìm kiếm từ đêm qua, nhưng chúng tôi thấy nhiều cán bộ xã Nâm Ndir vẫn nỗ lực phối hợp tìm kiếm và bám trụ tại hiện trường.
Ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Ndir, cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 19 giờ ngày 13-3, 18 chiến sĩ cơ động đã lập tức có mặt tại hiện trường để tìm kiếm. Sau đó, khoảng 50 người của 2 xã lân cận là xã Đức Xuyên và xã Ea Rbin (huyện Lắc, Đắc Lắc - PV) cũng đến tìm kiếm cùng chúng tôi. Còn người dân xã Buôn Chóa (cách đó khoảng 7km - PV) cũng giăng lưới để chặn thi thể nạn nhân. Lực lượng hỗ trợ tìm kiếm hiện đã lên tới 200 người với 4 thuyền máy và 4 thuyền gỗ. Những chiếc thuyền này đang rà trên đoạn sông dài gần 5km để tìm kiếm 3 nạn nhân còn lại. Ở cách nơi bị nạn khoảng 2km (thuộc thôn Nam Giao, xã Nâm Ndir - PV), chúng tôi cũng đã giăng 3 lớp lưới câu từ bờ này sang bờ kia để chặn thi thể nạn nhân”.
Ông Ngô Xuân Lộc, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cho biết: “Ngay sau khi nhận tin báo của chính quyền địa phương, huyện đã huy động khoảng 50 chiến sĩ công an, bộ đội tham gia tìm kiếm thi thể người mất tích. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ gia đình 3 nạn nhân vừa tìm được mỗi gia đình 2 triệu đồng và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho gia đình 3 nạn còn lại. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm kiếm các thi thể, lấy lời khai chủ thuyền và những người sống sót để làm rõ vụ việc”.
| |
CÔNG HOAN